Na Uy là một trong những quốc gia có quan hệ truyền thống lâu đời với Việt Nam, xin Đại sứ điểm qua những dấu mốc quan trọng trong quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam – Na Uy trong 50 năm qua?
Na Uy là một quốc gia Bắc Âu, luôn ở trong nhóm đứng đầu thế giới về các chỉ số phát triển. Thế mạnh lớn nhất của nước này là công nghiệp dầu khí, đóng tàu và vận tải biển, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, với dân số 5,4 triệu người, Na Uy có quỹ đầu tư nhà nước vào loại lớn nhất thế giới trị giá 1.300 tỷ USD, có tầm hoạt động toàn cầu rất năng động và hiệu quả.
Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Hồng Lam |
Năm 1971, Na Uy là một trong những nước phương Tây đầu tiên quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam khi đất nước ta vẫn còn đang trong chiến tranh và bị chia cắt. Sau khi Việt Nam thống nhất, Na Uy cũng là một trong những nước đầu tiên hỗ trợ ta tái thiết đất nước.
Từ khi ta tăng tốc đổi mới, mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư và làm ăn tại Việt Nam, các doanh nghiệp Na Uy bắt đầu chú ý đến ta nhiều hơn. Quan hệ kinh tế – thương mại – đầu tư giữa hai nước thực sự khởi sắc từ sau chuyến thăm Na Uy năm 1995 của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cùng năm đó, hai nước đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và trốn lậu thuế, đặt nền móng quan trọng cho quan hệ hợp tác kinh tế song phương.
Các doanh nghiệp Na Uy đầu tiên bắt tay làm ăn với Việt Nam chủ yếu là lĩnh vực dầu khí. Hai bên hợp tác rất thành công trong ngành công nghiệp khai thác và vận tải dầu khí. Tiếp sau là các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (sơn Jotun), đóng tàu (Vard), phân bón (Yara), thiết bị tàu biển (Dr. Dahl), sản xuất vắc xin cho cá (Pharmac)... Đến nay có khoảng 40 doanh nghiệp Na Uy đang đầu tư, kinh doanh và làm ăn tại Việt Nam.
Năm 1997, hai nước ký Hiệp định hợp tác kinh tế và thương mại cấp Chính phủ, tạo khuôn khổ pháp lý quan trọng cho doanh nghiệp hai nước tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế liên tục được duy trì và phát triển. Tháng 5/2012, Việt Nam đã chính thức khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) gồm Thụy Sĩ, Na Uy, Ai-xơ-len và Lít-ten-stanh, với mục tiêu đưa quan hệ hợp tác kinh tế lên một tầm cao mới.
Đại sứ Lê Hồng Lam (trái) và ông Tore Hattrem, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Na Uy phát biểu tại Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Việt Nam và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Na Uy |
Kể từ sau chuyến thăm chính thức Na Uy của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc năm 2019 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến tình hình kinh tế thế giới, thương mại Việt Nam – Na Uy trong 2 năm nay vẫn có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Xin đại sứ chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?
Quan hệ kinh tế Việt Nam - Na Uy tuy không lớn về kim ngạch thương mại và đầu tư, nhưng có nền tảng vững chắc để liên tục duy trì và phát triển trong mọi hoàn cảnh. Chuyến thăm Na Uy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 5/2019 đã tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa hai nước trong các lĩnh vực phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số và thân thiện hơn với môi trường.
Khách tham dự Triển lãm ảnh 50 năm quan hệ Việt Nam - Na Uy |
Bên cạnh việc các doanh nghiệp Na Uy đang hoạt động ở Việt Nam mở rộng kinh doanh, một số dự án đầu tư mới của Na Uy đã và đang được triển khai, trong đó phải kể đến phát triển điện mặt trời của Scatec Solar và một số doanh nghiệp khác, phân loại và xử lý rác thải nhựa OPTOCE… Các doanh nghiệp Na Uy đang quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực kinh tế xanh như năng lượng tái tạo, khí hóa lỏng, kinh tế tuần hoàn (tái chế rác thải trên biển), nuôi trồng thủy sản theo công nghệ sạch và an toàn…
Bất chấp những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, kim ngạch thương mại hai nước trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 365 triệu USD; đầu tư trực tiếp và gián tiếp của Na Uy vào Việt Nam được duy trì ổn định theo xu hướng tăng. Đây là điều đáng chú ý vì Na Uy không phải là thành viên Liên minh châu Âu, và giữa hai nước chưa có Hiệp định thương mại tự do.
Hội nghị, giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy với chủ đề “Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong tình hình mới do Đại sứ quán phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương và Innovation Norway tổ chức theo hình thức trực tuyến ngày 25/11/2021 vừa qua có hơn 20 doanh nghiệp của Na Uy tham gia. Các doanh nghiệp đều rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, bày tỏ mong muốn tìm kiếm và mở rộng cơ hội hợp tác làm ăn với Việt Nam. Điều đó cho thấy, tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước là rất lớn.
Năm 2021 đánh dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ Việt Nam – Na Uy khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 - 2021). Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy đã có những hoạt động gì nhằm tăng cường quan hệ hai nước nói chung, quan hệ thương mại nói riêng?
Việt Nam và Na Uy kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp và kinh tế toàn cầu đang trong quá trình hồi phục và thích nghi với bối cảnh mới. Được sự phê duyệt của Bộ Ngoại giao và sự giúp đỡ của các cơ quan Việt Nam, ĐSQ đã triển khai một kế hoạch tổ chức kỷ niệm với những hoạt động thực chất, khả thi, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.
Thứ nhất, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam – Na Uy kết hợp trưng bày ảnh với sự tham dự của khoảng 150 khách gồm khách mời danh dự nước sở tại, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp sở tại, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy. Tại Lễ kỷ niệm, Đại sứ quán giới thiệu với khách tham dự về đất nước, con người Việt Nam và lịch sử quan hệ 2 nước, những thành tựu phát triển của Việt Nam, nhất là những tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; tiếp xúc và trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp tham dự nhằm tìm hiểu nhu cầu kết nối, hợp tác làm ăn với doanh nghiệp nước ta…
Đại sứ Lê Hồng Lam và bà Cecilia Ekström, Phụ trách Thư viện Đại học Oslo tại Lễ trao tặng 500 cuốn sách Việt Nam cho Thư viện Đại học Oslo. |
Thứ hai, được sự hỗ trợ rất kịp thời và quý báu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại sứ quán đã tặng Thư viện Đại học Tổng hợp Oslo 500 cuốn sách của 234 đầu sách bằng tiếng Anh và tiếng Pháp do Việt Nam phát hành, trong đó có các cuốn sách giới thiệu về Luật Doanh nghiệp, điều kiện và môi trường kinh doanh tại Việt Nam… không chỉ phục vụ cho sinh viên mà cả doanh nghiệp muốn tìm hiểu về Việt Nam. Đây là hoạt động trao tặng sách lớn nhất của Việt Nam cho một tổ chức học thuật lớn và lâu đời của Na Uy.
Thứ ba, Đại sứ quán đã phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và Innovation Norway tổ chức Hội nghị, giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy với chủ đề “Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong tình hình" mới theo hình thức kết hợp cả trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của các quan chức và nhiều doanh nghiệp hai nước. Hội nghị là diễn đàn thông tin, trao đổi những định hướng và quy định chính sách mới, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp 2 bên kết nối, tìm hiểu thông tin và tìm cơ hội hợp tác làm ăn trong bối cảnh mới, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế 2 nước nói chung và hỗ trợ doanh nghiệp ta tăng sự hiện diện ở Na Uy nói riêng.
Hội nghị, giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam và Na Uy với chủ đề “Triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam – Na Uy trong tình hình" |
Dù là thị trường tiềm năng, song sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Na Uy còn hạn chế. Đại sứ có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường Na Uy?
Đúng là sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam tại Na Uy còn chưa ở mức cao như tiềm năng, tuy nhiên, xét về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Na Uy theo đầu người, Na Uy thực sự là "bé hạt tiêu": theo số liệu của EFTA năm 2020, bình quân mỗi người dân Na Uy tiêu thụ trị giá 136 USD hàng Việt Nam, trong khi đó con số tương ứng của EU là 100 USD và của Trung Quốc là 38 USD. Na Uy ở xa Việt Nam, chi phí vận chuyển khó khăn và tốn kém, nhưng sức tiêu thụ ở đây thực sự gây ngạc nhiên. “Năng nhặt chặt bị”, ta không nên đánh giá thấp tiềm năng tiêu thụ của Na Uy. Nếu có Hiệp định thương mại tự do, đầu tư và thương mại sẽ có nhiều dư địa cho tăng trưởng hơn.
Thứ hai, Na Uy không thuộc EU, nhưng liên kết với EU bằng Hiệp định khu vực kinh tế châu Âu (còn được gọi là Hiệp định thị trường chung) rất toàn diện về thương mại, đầu tư và các quy định quản lý nhà nước, chỉ trừ chính sách thuế quan và lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư của cả 2 bên để tận dụng các lợi thế do EVFTA tạo ra.
Thứ ba, thế mạnh của Việt Nam là nông sản và thực phẩm, mà hầu hết những mặt hàng này có thuế suất thuế quan vào Na Uy bằng 0, chỉ phải chịu hạn ngạch số lượng. Qua nhận xét của một số doanh nghiệp chuyên nhập hàng thực phẩm châu Á, hàng nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh ngày càng cao với các mặt hàng truyền thống của Thái Lan và Indonesia, thể hiện ở sự đa dạng về chủng loại, mẫu mã ngày càng chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế, chất lượng ngày càng được cải thiện, và giá cả hợp lý. Nếu bảo đảm được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Na Uy, hàng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh tốt với nhiều mặt hàng của nhiều nước châu Á hiện đang có các Hiệp định mậu dịch tự do với Na Uy.
Thứ tư, cộng đồng người Việt Nam ở Na Uy có trên 23.000 người và đang tăng thêm, sống tập trung ở các thành phố lớn, giao thông thuận tiện. Qua tiếp xúc và tìm hiểu, chúng tôi thấy nhu cầu của bà con về hàng hóa Việt Nam, nhất là rau củ quả, thực phẩm tươi sống và khô là không nhỏ. Nhiều doanh nghiệp của người Việt ở đây, như các tiệm ăn Việt Nam, có nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm Việt Nam để có thể cho ra những món ăn thuần Việt. Các doanh nghiệp Việt Nam không nên coi nhẹ nhu cầu này.
Cuối cùng, việc tìm hiểu và thâm nhập thị trường Na Uy luôn có sự đồng hành và hỗ trợ tích cực của các cơ quan Việt Nam ở sở tại là Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na uy, Lát-vi-a). Trong thời gian tới, để triển khai định hướng "Ngoại giao phục vụ phát triển lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm" trong bối cảnh dịch bệnh giảm bớt, Đại sứ quán và Thương vụ sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại và đầu tư. Ngoài việc cung cấp thông tin và kết nối doanh nghiệp qua các trang web của Đại sứ quán, của cơ quan Thương vụ và tiếp xúc trực tiếp, Đại sứ quán và Thương vụ sẵn sàng giúp doanh nghiệp trong nước thẩm tra, xác minh lý lịch của doanh nghiệp đối tác khi được yêu cầu để giúp doanh nghiệp ta tránh được tình trạng lừa đảo, gian lận thương mại của những đối tượng tội phạm giả danh doanh nghiệp Na Uy.
Xin cảm ơn Đại sứ!