Phối hợp liên ngành để làm lành mạnh thị trường thực phẩm chức năng
Thuốc cho bệnh cả tin
Như hai kỳ đầu trong loạt bài đã phân tích, một trong những nguyên nhân khiến TPCN giả tồn tại và phát triển là do tâm lý sính ngoại và cả tin của người tiêu dùng (NTD). Mua theo lời quảng cáo hấp dẫn, mua hàng xách tay đã thành thói quen tiêu dùng của rất nhiều bộ phận khách hàng. Sự cả tin đã khiến người dân gần như bị “mờ mắt”. Bởi lẽ, rõ ràng thời gian qua, hàng chục tấn sản phẩm TPCN giả bị phát hiện và bị các cơ quan chức năng xử lý, thế nhưng số ý kiến phản ánh của người dân về sản phẩm này hầu như rất ít.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), 5 tháng đầu năm, Tổng đài bảo vệ NTD (1800. 6838) mới chỉ tiếp nhận 10 cuộc gọi phản ánh của NTD liên quan đến nhóm hàng y tế, chăm sóc sức khỏe, trong đó gần như không có cuộc gọi phản ánh về chất lượng hàng TPCN.
Chính bởi vậy, theo Đại tá Giang Văn Chiến - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an)- các cơ quan quản lý nhà nước về chống sản xuất, kinh doanh hàng giả cần đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến NTD về sự nguy hại của việc tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng là mỹ phẩm, dược phẩm, thực phẩm; đồng thời khuyến cáo người dân nên mua hàng tại các công ty, cơ sở có uy tín, sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng, tránh tình trạng tiền mất, tật mang.
Mặt khác, để bảo vệ được quyền lợi NTD, theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cần quản lý chặt chẽ nội dung quảng cáo, bảo đảm để người dân, đặc biệt là người đang có bệnh được tiếp cận với thông tin chính xác về sản phẩm và công dụng của sản phẩm TPCN.
Tăng cường phối hợp liên ngành
Để tạo thế “gọng kìm” tiêu diệt vấn nạn TPCN giả, ngoài việc thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, còn cần các giải pháp đồng bộ, quyết liệt từ nhiều cơ quan quản lý nhà nước. Cục ATTP cho biết sẽ tiếp tục tăng cường quản lý chặt chẽ việc quảng cáo TPCN, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và công bố công khai theo quy định. Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP- TPCN sẽ buộc phải kiểm tra chất lượng trước khi được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Về công tác quản lý thị trường (QLTT), tại một hội nghị về quản lý TPCN vừa được tổ chức mới đây, đại diện Chi cục QLTT tỉnh Quảng Bình cho rằng, ngoài việc tiếp tục thực hiện các biện pháp đã làm thời gian qua, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu các vi phạm về hàng giả và đầu mối tập hợp thông tin về các loại hàng hóa, doanh nghiệp vi phạm.
Bên cạnh đó, qua thực tiễn đấu tranh với các loại tội phạm kinh doanh TPCN giả, việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thực thi (QLTT, cảnh sát kinh tế, thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hải quan, thanh tra Bộ Y tế…) trong đấu tranh với các loại tội phạm về hàng giả nói chung và TPCN giả nói riêng có vai trò rất quan trọng.
Ông Trịnh Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương): Thời gian tới, Cục sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về quyền lợi của NTD cũng như tiếp tục phổ biến rộng rãi về tổng đài 1800. 6838 để người dân biết tới kênh phản ánh các vấn đề liên quan đến quyền lợi của mình. |
TIN LIÊN QUAN | |
Kỳ II: “Lỗ hổng” từ khâu quản lý | |
Kỳ I: “Mê hồn trận” hàng giả |