Miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020
Viện dẫn Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ, Ban IV cho biết, ngày 25/3/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đã ban hành công văn số 245/TLĐ hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) thực hiện chính sách cho phép lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đầu năm 2020 đối với các DN có 50% số lao động thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) phải nghỉ việc.
Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân kiến nghị miễn, giảm nhiều khoản đóng góp tài chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 (Ảnh minh họa) |
Tuy nhiên, theo Ban IV, qua khảo sát DN trên diện rộng và qua trao đổi trực tiếp cùng các Hiệp hội doanh nghiệp thì khả năng các DN thực hiện được chính sách này là rất khó. Luận cứ được đưa ra là, mặc dù các DN hết sức khó khăn bởi chuỗi sản xuất kinh doanh đứt gãy do tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành doanh thu gần như bằng không trong suốt thời gian dài nhưng vẫn cố gắng sản xuất cầm chừng, phân chia ca kíp, trả lương tối thiểu... để ổn định đời sống cho người lao động, giảm gánh nặng về chi phí tuyển dụng lại cho DN. Do đó, DN hầu như không đạt tiêu chí “có 50% số lao động thuộc diện đóng BHXH phải nghỉ việc”. Hơn nữa, việc chứng minh thiệt hại cả về người và tài sản là hết sức phức tạp, đòi hỏi các quy trình hành chính mất rất nhiều thời gian, nhất là với các DN sử dụng nhiều lao động, như: dệt may, da giày, vận tài hàng hóa đường bộ, logisitcs, du lịch, hàng không... Khi những DN trong các lĩnh vực này chỉ cần cắt giảm 20% lao động đã là hàng chục thậm chí hàng trăm nghìn người mất việc.
Mặt khác, các DN cho rằng, nếu đã phải cho nghỉ việc 50% tổng số lao động đóng BHXH thì tương đương với tình trạng DN đã kiệt quệ, “chết lâm sàng”, nên không thể thu xếp tài chính để chi trả cho các khoản phí như trên. Do đó, chính sách “hoãn đóng kinh phí công đoàn một số tháng trong năm 2020” dường như không đạt được mục tiêu chia sẻ, hỗ trợ DN vượt qua khó khăn bởi dịch bệnh như cơ quan TLĐLĐVN dự định.
Từ những phân tích trên, Ban IV và các Hiệp hội kiến nghị Bộ Kế hoạch &Đầu tư, TLĐLĐVN trình Chính phủ (và trình Quốc hội nếu thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội) phương án cho phép DN miễn đóng kinh phí công đoàn trong năm 2020.
“Chính sách này sẽ là biện pháp hỗ trợ rất lớn cho DN cả về mục tiêu duy trì dòng vốn cũng như tiết giảm thời gian, công sức đối với các quy trình thủ tục hành chính, đồng thời cũng thể hiện được tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” – Ban IV nhấn mạnh.
Giảm thuế Giá trị gia tăng (GTGT) xuống 5%
Cho rằng lý giải thuế GTGT là thuế gián thu, không ảnh hưởng trực tiếp tới các DN là chưa chính xác, Ban IV phân tích, các DN hiện nay đang rất cần vốn lưu động để duy trì sản xuất kinh doanh và duy trì lao động, do vậy, việc bỏ ra thêm 10% thuế GTGT và phải đợi đến cuối năm 2020 mới được hoàn trả sẽ gây nhiều khó khăn cho các DN, đồng thời cũng khó để thực hiện các chính sách kích cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm, dịch vụ mà DN cung ứng.
Vì vậy, Ban IV và các Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giảm thuế xuất thuế GTGT từ 10% xuống 5% để giảm chi phí cho người tiêu dùng nhằm kích cầu cho các ngành trong và ngay sau dịch Covid-19.
Về quy định “cho phép hoãn nộp thuế GTGT đến hết tháng 9 năm 2020 đối với nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, như: dệt may, giầy da, sản xuất đồ uống ...” trong dự thảo Nghị quyết, Ban IV cho rằng, nên có phụ lục cụ thể hóa các ngành được áp dụng chính sách này thay vì quy định như hiện nay chưa rõ, có thể gây lúng túng và khó khăn khi thực thi và có thể bị bỏ sót nhiều ngành cũng chịu tác động lớn bởi đại dịch.
Đưa dẫn chứng, Ban IV nêu, Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam đề nghị bổ sung ngành gia công cơ khí kim loại tại quy định này vì ngành cơ khí của Việt Nam nói chung còn yếu, gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch nhất là kim loại màu; hay Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cũng đề nghị bổ sung ngành du lịch, lữ hành, hàng không...để DN có thêm nguồn lực giảm giá dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách…
Đặc biệt, với quy định “Giảm 30% tiền thuê đất trong thời hạn 06 tháng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh bị ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, Ban IV đề nghị bổ sung quy định “Giảm 50% tiền thuê đất trong thời hạn 09 tháng đối với các doanh nghiệp lưu trú du lịch (khách sạn, khu nghỉ dưỡng…), các công viên chủ đề” bởi đây là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch và cũng là ngành sẽ phục hồi chậm hơn các ngành khác. Hơn nữa, hiện chi phí tiền thuê đất chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu giá thành của các DN ngành này. Do đó, để hỗ trợ các DN kích cầu du lịch bằng cách giảm giá dịch vụ sau dịch bệnh thì việc giảm giá thành thuê đất sẽ rất hiệu quả.
Ngoài những kiến nghị nói trên, Ban IV cũng đề nghị Bộ KT&ĐT xem xét miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020; giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống khoảng 2%... Đặc biệt, từ thực tiễn nhiều DN đã kí kết các hợp đồng với đối tác trước khi dịch bệnh xảy ra và hiện đang có nguy cơ mất toàn bộ tiền đặt cọc/tiền đã thanh toán cho đối tác (trong hợp đồng giao kết chỉ ghi nhận tình huống “bất khả kháng” thì mới xem xét) nếu đại dịch này không được tính là một sự kiện bất khả kháng. Do dó, Ban IV kiến nghị trong phần I của dự thảo nghị quyết về “Nguyên tắc thực hiện”, cần bổ sung thêm nội dung “Chính phủ xác nhận dịch COVID-19 là sự kiện bất khả kháng” để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh trong các thỏa thuận liên quan.