Thứ tư 14/05/2025 11:30

Kiểm tra thực hiện điều chỉnh giá điện tại khu vực phía Nam: Không phát hiện bất thường!

Ngày 9/5, Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã làm việc với Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện (QĐ 648).

Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục điều tiết điện lực - Bộ Công thương và đoàn kiểm tra làm việc tại Tổng công ty Điện lục TP. Hồ Chí Minh

Đoàn kiểm tra gồm đại diện: Cục Điều tiết Điện lực, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu EVNHCMC báo cáo các nội dung liên quan đến Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương về điều chỉnh giá bán điện và quy định về giá bán điện đối với một số khách hàng sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành, ông Nguyễn Duy Quốc Việt, Phó Tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết, từ đầu tháng 3/2019, thời tiết nắng nóng liên tục, riêng sản lượng điện dùng cho sinh hoạt tháng 4/2019 là 947,85 triệu kWh, tăng 30,80% so với tháng 3/2019. Sản lượng điện tiêu thụ cao nhất đạt kỷ lục vào ngày 24/4 là hơn 90 triệu kWh, tăng 10,98% so với ngày cao nhất năm 2018.

Ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục điều tiết điện lực - Bộ Công Thương phát biểu

Theo báo cáo của EVNHCM, chi phí sử dụng điện của khách hàng trong tháng 4 tăng do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng cùng với cách tính giá điện mới tăng nên đã tác động chung đến việc tăng tiền điện.

Lý giải về điều này, đại diện Ban kinh doanh Ban kinh doanh của EVNHCMC cho biết, có nhiều nguyên nhân làm tăng sản lượng điện tiêu dùng, dẫn đến hóa đơn tiền điện tăng cao như thời tiết nắng nóng liên tục, nhu cầu điện tăng cao đột biến. Bên cạnh đó là tác động của việc điều chỉnh giá bán điện được Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3/2019 theo Quyết định 648/QĐ-BCT. Số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (28 ngày) là 3 ngày, số ngày tăng thêm trong tháng sẽ làm cho điện năng sử dụng của tháng 4/2019 tăng thêm 10,71%...

EVNHCMC cho rằng, tiền điện của một số khách hàng và doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 4 có tăng so với tháng 3, nhưng đều nằm trong mức tăng của QĐ 648.

EVNHCMC đã báo cáo với Đoàn kiểm tra về tình hình thực hiện việc triển khai công tác ghi chỉ số công tơ, áp giá bán điện, công tác tuyên truyền giá bán điện, công tác phúc tra chỉ số công tơ và giải quyết thắc mắc của người dân của 9 Công ty Điện lực thành viên bao gồm: Sài Gòn, An Phú Đông, Thủ Đức, Bình Phú, Phú Thọ, Gia Định, Tân Phú, Thủ Thiêm, Củ Chi.

Đại diện Công ty Điện lực Tân Thuận phân tích biến động của tiền điện với Đoàn kiểm tra

Trong tháng 4/2019, toàn tổng công ty có 1.064.599/2.256.310 khách hàng (47,18%) sử dụng điện sinh hoạt tăng trên 30% so với tháng 3/2019, các Công ty Điện lực trực thuộc EVNHCMC đã phúc tra trên 240.000 khách hàng có điện năng tiêu thụ từ 1,5 lần trở lên.

Chiều cùng ngày, kiểm tra thực tế tại Công ty Điện lực Tân Thuận (trực thuộc EVNHCMC). Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Điện lực Tân Thuận giải thích cách tính giá điện mới theo Quyết định 648/QĐ-BCT của Bộ Công thương về điều chỉnh giá bán điện và quy định về giá bán điện đối với một số khách hàng sử dụng điện sản xuất và sinh hoạt.

Đoàn kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tại Công ty TNHH Tân Thuận (KCX Tân Thuận)

Đoàn cũng đã kiểm tra thực tế tình hình sử dụng điện tại một số doanh nghiệp có mức sử dụng điện lớn, qua đó đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện tới giá thành sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Qua kiểm tra không phát hiện sai sót trong việc áp giá và tính tiền điện theo quy định mới.

Cụ thể, Đoàn kiểm tra mẫu tại Tổng Công ty may Nhà Bè, Công ty TNHH Tân Thuận (KCX Tân Thuận) và Công ty TNHH Đúc chính xác Ray Churn, các DN đều khẳng định Điện lực Tân Thuận chốt chỉ số ghi điện đúng thời điểm từ 0 giờ ngày 20/3 thời điểm tăng giá điện và áp đúng giá điện theo QĐ 648.

Bà Nguyễn Thị Thanh - đại diện Tổng Công ty may Nhà Bè - chia sẻ, để hạn chế chi trả tiền điện, công ty đã chủ động thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện như: lắp đèn Led chiếu sáng tại xưởng, kho, nhà điều hành; thay các mô tơ có công suất lớn bằng mô tơ công suất bé liền trục; thay máy hút chân không; quản lý nhu cầu điện, tuyên truyền bồi dưỡng, khuyến khích tiết kiệm điện...

Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc tại Tổng công ty Điện lực miền Nam

Trước đó, ngày 8/5, Đoàn kiểm tra liên ngành cũng đã làm việc với Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Phước Đức -Tổng giám đốc EVNSPC - cho biết, điện thương phẩm tháng 4/2019 là 6 tỷ 386 triệu kWh, tăng 10,46% so với tháng trước và tăng 9,38% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế đến hết tháng 4/2019, sản lượng điện thương phẩm toàn Tổng công ty là 23 tỷ 053 triệu kWh, tăng 10,58% so với cùng kỳ năm 2018. Các Công ty có tốc độ tăng cao là Tiền Giang (tăng 21,9%), Long An (tăng 17,4%), Bình Phước (tăng 19,9%) và Tây Ninh (tăng 17,7%) so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu thành phần công nghiệp-xây dựng chiếm tỷ trọng 60,28% (tăng 6,79%), đặc biệt thành phần quản lý tiêu dùng (điện sinh hoạt) chiếm tỷ trọng 26,29% (tăng 13,48%) so với cùng kỳ...

Theo EVNSPC, chi phí sử dụng điện của khách hàng trong tháng 4 tăng do sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng cùng với cách tính giá điện mới tăng nên đã tác động chung đến việc tăng tiền điện.

Thanh Minh

Tin cùng chuyên mục