Ninh Thuận ưu tiên thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận 200 đại biểu dự hội thảo năng lượng xanh tại Ninh Thuận |
Nhằm có thêm luận cứ và cơ sở khoa học cho định hướng phát triển hệ sinh thái năng lượng Hydrogen gắn liền với đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia trên địa bàn, chiều 27/4, Tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội thảo “Năng lượng xanh, hydro xanh và khu công nghiệp trung hòa carbon”.
Sẵn sàng cho các dự án Hydrogen
Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận cho biết, hiện Hydrogen là công nghệ đột phá nhằm đạt được các mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Trong đó, Ninh Thuận được đánh giá là một trong các tỉnh có tiềm năng và cơ hội rất lớn từ năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời không phát thải carbon để sản xuất hydro xanh, đây được xem là giải pháp công nghệ bền vững nhưng cần thời gian dài và nguồn vốn lớn để phát triển thị trường.
Ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận (áo trắng, bìa trái) cùng các đại biểu tham quan mô hình tổ hợp dự án năng lượng xanh Ninh Thuận. |
Theo ông Phạm Văn Hậu, Ninh Thuận mong muốn các dự án hydrogen sẽ được hiện thực hóa, không còn là câu chuyện trên giấy mà đi vào thực tế qua việc chung tay giữa các nhà khoa học, cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước. Để từ đó nhằm gia tăng giá trị và vai trò của ngành năng lượng sạch trong cơ cấu sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Theo đó, tại hội thảo, các đại biểu được phổ biến những quan điểm và định hướng phát triển của Việt Nam về năng lượng tái tạo và năng lượng hydro xanh; cùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai và tiêu chuẩn của quốc tế về dự án hydro xanh và Khu công nghiệp trung hòa carbon;...
Thông tin về Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến cộng đồng doanh nghiệp, ông Đặng Hải Anh, đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) chia sẻ, Chiến lược đã xác định lộ trình phát triển của hydrogen tại Việt Nam, phấn đấu công suất sản xuất hydrogen từ quá trình sử dụng năng lượng tái tạo và các quá trình khác có thu giữ các-bon đạt khoảng 100 - 500 nghìn tấn/năm vào năm 2030, và tăng lên 10 - 20 triệu tấn vào năm 2050. Đây là nguồn năng lượng xanh, sạch, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát thải ròng bằng “0” của đất nước.
Ông Đặng Hải Anh, đại diện Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) phát biểu. |
“Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, Chiến lược nêu rõ sẽ xây dựng, bổ sung nội dung quy định về chính sách phát triển năng lượng tái tạo trong đó có nguồn năng lượng hydrogen trong Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tạo nền tảng pháp lý vững chắc, minh bạch, thuận lợi tạo đà cho phát triển bền vững năng lượng mới và tái tạo”, ông Đặng Hải Anh cho hay, Việt Nam sẽ tạo cơ chế và hành lang pháp lý để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng năng lượng hóa thạch tích cực chuyển đổi sang sản xuất và sử dụng năng lượng Hydrogen.
Hiến kế cho hydro xanh
Ông Eric HU, đại diện Envision Group (Trung Quốc) cho rằng với lợi thế vượt trội về tài nguyên thiên nhiên và vị trí thuận lợi kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm, hạ tầng giao thông đồng bộ, cảng biển lý tưởng để xuất khẩu amoniac xanh, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng cao để phát triển các cụm công nghiệp Net-Zero, trở thành “Trung tâm năng lượng xanh” của Việt Nam.
Đại diện tập đoàn công nghệ xanh này mong muốn Việt Nam đẩy nhanh tiến độ các dự án điện gió trên bờ, ngoài khơi được hỗ trợ; hỗ trợ ưu đãi thuế quan đối với xuất khẩu các sản phẩm net-zero, đặc biệt là hydro xanh, amoniac, methanol; có chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư vào công nghiệp xanh;… để các doanh nghiệp như Envision Group có cơ hội đồng hành.
Các đại biểu tham dự toạ đàm. |
Còn theo ông Yoshii Konosuke, đại diện Tập đoàn IHI (Nhật Bản), trong lĩnh vực năng lượng, tỉnh Ninh Thuận tập trung vào việc phát triển mạnh mẽ “năng lượng mới”, mục tiêu trở thành “trung tâm năng lượng của Việt Nam", và đang tích cực trong việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực năng lượng, với kỳ vọng mở rộng các chính sách ưu đãi thuế và miễn giảm phí sử dụng đất, thiết lập các hệ thống chính sách hỗ trợ mới. Đại diện Tập đoàn IHI kiến nghị Việt Nam cần có chính sách, cơ chế phù hợp để thiết lập cơ sở hạ tầng thiết yếu và chuỗi giá trị liên quan đến hydro, amoniac.; thúc đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu xanh, khuyến khích chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu hydro, amoniac cho các hoạt động kinh tế như sản xuất điện, công nghiệp, giao thông vận tải...
Phát biểu kết luận, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cảm ơn và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các đại biểu tham dự hội thảo. Đồng thời đề nghị các sở, ban ngành tiếp thu, tổng hợp để làm cơ sở nghiên cứu phát triển cho các dự án sản xuất hydro xanh dự kiến đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Hội thảo cũng chứng kiến phần lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa Trungnam Group và các đối tác. |
Trong giai đoạn mới, Ninh Thuận tập trung phát triển sản xuất hydorgen sạch, đây cũng là sự cập nhật các công nghệ mới, mang tính đột phá nhằm đạt được các mục tiêu về trung hòa carbon vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP 26 năm 2022. |