Kiểm toán nhà nước: Nâng cao hiệu quả đánh giá về môi trường qua kiểm toán lồng ghép
Xác định nhiệm vụ bảo vệ môi trường ngày càng trở nên cấp thiết, thời gian qua Kiểm toán nhà nước đã chú trọng kiểm toán môi trường (KTMT) với nhiều hình thức đa dạng. Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, việc tăng cường đánh giá nội dung về bảo vệ môi trường thông qua các cuộc kiểm toán lồng ghép là giải pháp cần được chú trọng hơn nữa.
Kiểm toán nhà nước ngày càng chú trọng đến KTMT và đa dạng hóa các hình thức kiểm toán. Ảnh minh họa |
Để thực hiện nhiệm vụ đó, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành một số hoạt động kiểm toán môi trường nhằm đánh giá, kiến nghị hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, ngoài các cuộc kiểm toán chuyên sâu về lĩnh vực KTMT, Kiểm toán nhà nước đã linh hoạt tổ chức nội dung đánh giá về bảo vệ môi trường thông qua các cuộc kiểm toán lồng ghép trong nhiều nội dung, lĩnh vực khác, như: kiểm toán ngân sách địa phương, kiểm toán ngân sách Bộ, ngành…
Theo thông tin từ Kiểm toán nhà nước chuyên ngành IV, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán đối với lĩnh vực dự án đầu tư xây dựng, các đoàn kiểm toán của đơn vị đã có nhiều đánh giá đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua công tác kiểm toán, vấn đề bảo vệ môi trường chưa thực sự được các đơn vị được kiểm toán quan tâm. Nhiều dự án còn thiếu đánh giá tác động môi trường; phê duyệt dự án trước khi có Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)…
Qua thực tiễn triển khai kiểm toán, các đơn vị đã chú trọng đưa nội dung về môi trường vào kế hoạch kiểm toán chi tiết và hướng dẫn trước khi thực hiện cuộc kiểm toán, từ đó, trong quá trình triển khai các đoàn kiểm toán đã cơ bản tuân thủ thực hiện tốt nội dung này.
Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành III cho biết thêm, từ thực tiễn triển khai KTMT với nhiều hình thức khác nhau, trong đó có kiểm toán lồng ghép nội dung về môi trường, dù được triển khai dưới bất cứ hình thức nào, các cuộc kiểm toán đều hướng đến mục tiêu chung, đó là phát hiện bất cập, sai phạm, từ đó kiến nghị chấn chỉnh, cũng như kiến nghị điều chỉnh chính sách, quy định để các cơ quan chức năng thực hiện tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện lồng ghép nội dung về môi trường trong các cuộc kiểm toán khác còn gặp một số vướng mắc, như: bố trí kiểm toán viên thực hiện cả cuộc kiểm toán chính và cuộc kiểm toán môi trường lồng ghép nên ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán do khối lượng công việc lớn. Quá trình tiến hành kiểm toán, còn trường hợp chưa chú trọng đến phương pháp kiểm tra thực tế hiện trường nên đôi khi các bằng chứng thu thập chưa thật sự phù hợp...
Để đảm bảo thuận lợi, cũng như nâng cao phát hiện đối với nội dung về môi trường trong kiểm toán lồng ghép, các ý kiến cho rằng, các đơn vị kiểm toán cần bố trí nhân lực và thời gian thỏa đáng để thực hiện cuộc kiểm toán; không bố trí kiểm toán viên tham gia KTMT vào cuộc kiểm toán khác trong kiểm toán lồng ghép để tránh ảnh hưởng đến kiểm toán viên do phải tiếp cận những quy định khác nhau của pháp luật, những thông tin khác nhau của các đầu mối kiểm toán trong thời gian ngắn của cuộc kiểm toán.
Từ thực tiễn kiểm toán và qua nghiên cứu, “khi lựa chọn chủ đề KTMT để lồng ghép trong các cuộc kiểm toán khác nên hạn chế việc trùng lặp các đầu mối sẽ thực hiện kiểm toán giữa KTMT và nội dung kiểm toán khác”, ThS. Nguyễn Thị Kiều Thu (KTNN chuyên ngành III) lưu ý.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải), nhìn từ góc độ đơn vị quản lý, thực hiện dự án, Kiểm toán nhà nước cần tăng cường tiền kiểm đối với các lĩnh vực được kiểm toán, đặc biệt là kiểm toán dự án. Bởi, các vấn đề liên quan, trong đó có nội dung môi trường được đặt ra từ giai đoạn chuẩn bị dự án, do đó, nếu kiểm toán sớm sẽ giúp chủ đầu tư nhìn nhận và nghiêm túc hơn trong việc chấp hành, hoàn thiện các thủ tục, tránh tình trạng nhiều dự án dược phê duyệt, thậm chí là triển khai mà chưa có ĐTM.
Đây cũng là vấn đề đã được Kiểm toán nhà nước nhìn nhận và đặt ra trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. Theo đó, Chiến lược cũng đã đề ra mục tiêu thực hiện hoạt động “tiền kiểm” với dự án đầu tư trọng điểm quốc gia…, quan tâm đến vấn đề môi trường. Do đó, cần thiết tổ chức và tăng cường hoạt động này trong kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán nhà nước để giảm thiểu những rủi ro cho môi trường khi các dự án lớn được tiến hành nhưng ĐTM của dự án chưa đảm bảo.
Để thuận lợi trong quá trình kiểm toán, các đơn vị kiểm toán ngoài việc cập nhật thông tin của các đầu mối được giao phụ trách, cần thường xuyên theo dõi tình hình hoạt động nhiệm vụ của các đơn vị, thông tin về các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia được giao nhiệm vụ thực hiện, từ đó phối hợp, trao đổi với các đầu mối để tổ chức hoạt động tiền kiểm.
Xác định nguồn nhân lực tham gia kiểm toán đóng vai trò đặc biệt quan trọng, theo Kiểm toán nhà nước khu vực V, các ý kiến cũng đề nghị Kiểm toán nhà nước cần tiếp tục tăng cường đào tạo đội ngũ kiểm toán viên có trình độ chuyên môn cao đảm bảo thực hiện các cuộc KTMT chất lượng hiệu quả. Trong quá trình đào tạo, Kiểm toán nhà nước cần bổ sung thông tin thực tiễn để giúp học viên hiểu rõ tác động của các yếu tố trong đời sống, xã hội đến môi trường...
Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước cần tăng cường mời các chuyên gia có kinh nghiệm của lĩnh vực môi trường, thậm chí là chuyên gia nước ngoài để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, từ đó giúp kiểm toán viên nâng cao trình độ kiểm toán đối với nội dung về môi trường.