Khuyến công Tuyên Quang: Hỗ trợ kịp thời phát triển dệt thổ cẩm
Sản xuất tại cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình |
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh- chủ cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Hàm Yên. Tuy nhiên, bà con chỉ chủ yếu sản xuất phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Nhận thấy tiềm năng từ mặt hàng này, năm 1997, gia đình anh bắt đầu đầu tư thiết bị máy móc, sản xuất tập trung, thương mại hóa các mặt hàng thổ cẩm.
Thời điểm mới đi vào sản xuất, cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, thiếu đầu ra. Tuy nhiên, khi Mạnh Bình bắt đầu hoạt động ổn định, sản phẩm được thị trường chấp nhận, mức tiêu thụ tăng lên thì khâu sản xuất lại gặp khó, thiếu lao động trầm trọng, nguồn vốn dự trữ hạn chế khiến cơ sở không đủ lực đầu tư thiết bị, dạy nghề cho bà con. “Chi phí về vật tư, thiết bị cho mỗi lao động học nghề lên tới mấy triệu đồng/người/tháng, trong khi đó nhu cầu của bà con lại cao vượt quá sức của cơ sơ”, anh Mạnh nói.
Trước những khó khăn trên, cơ sở đã nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm đã hỗ trợ kinh phí, tổ chức 2 lớp dạy nghề thổ cẩm, bổ sung thêm 60 lao động cho cơ sở.
Sau khi được dạy nghề, chỉ một số ít người có khả năng tự đứng ra kinh doanh sản phẩm, còn lại phần lớn bà con liên kết với xưởng của cơ sở nhận hàng về sản xuất. Hiện tại, ngoài 10 lao động thường xuyên làm việc tại xưởng, có hơn 100 lao động trên địa bàn huyện làm việc cho Mạnh Bình. Mức thu nhập bình quân của mỗi lao động khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Riêng thợ làm việc tại xưởng chủ yếu là thợ tay nghề cao, thiết kế mẫu mã sản phẩm, nên có mức thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với khuyến công, Mạnh Bình cũng nhận được sự hỗ trợ của nhiều đơn vị khác trong công tác dạy nghề, đào tạo thêm nhân lực cho cơ sở, như: Trung tâm dạy nghề huyện Hàm Yên, Trung tâm dịch vụ việc làm của huyện và Quỹ hỗ trợ nông dân, nông thôn.
Từ những sự hỗ trợ đó, Mạnh Bình đã có đủ nguồn nhân lực cho sản xuất, quy mô của cơ sở được mở rộng. Ngoài nhà xưởng có quy mô lớn, Mạnh Bình còn đầu tư trên 2 tỷ đồng máy dệt ký gửi cho bà con sản xuất tại gia đình. Doanh thu bình quân của Mạnh Bình cũng tăng lên, đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, thị trường của cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình đã phủ khắp 8 tỉnh miền núi Bắc bộ, như: Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Điện Biên… và được xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, Lào. “Riêng với tỉnh Hà Giang, hầu hết sản phẩm phục vụ du lịch có thêu họa tiết tượng trưng cho cột cờ Lũng Cú, nhà Vương Chí Sình hay khu phố cổ Đồng Văn…đều xuất phát từ Mạnh Bình”- ông Nguyễn Văn Mạnh chia sẻ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Mạnh, từ đầu năm tới nay, hoạt động sản xuất- kinh doanh của cơ sở tương đối ổn định, sản phẩm làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Thậm chí, một số cơ quan các tỉnh đi tham gia hội chợ, triển lãm phải đặt hàng trước mấy tháng mới kịp sản xuất. Cơ sở chỉ sản xuất sẵn khăn vuông của người Mông để tiêu thụ dịp cuối năm, các sản phẩm thổ cẩm phục vụ khách du lịch đều được sản xuất theo đơn đặt hàng, không sản xuất sẵn do mẫu mã thường xuyên thay đổi.
Nhờ sự đồng hành của chương trình khuyến công, đã giúp cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình ngày một trưởng thành, có vị trí nhất định trên thị trường. Ngoài ra, còn giúp bà con đồng bào người dân tộc thiểu số phát huy nghề truyền thống, đem lại thu nhập cao hơn, góp phần vào chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện.
Ông Phạm Xuân Quang -Trưởng phòng Công Thương huyện Hàm Yên: Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với cơ sở dệt thổ cẩm Mạnh Bình đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 60 lao động trên địa bàn xã Tân Thành và thị trấn Tân Yên. Sau khi kết thúc khóa đào tạo sản phẩm của lao động học nghề được Mạnh Bình tạo việc làm và bao tiêu sản phẩm. |