Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2014-2018, thông qua 65 đề án khuyến công, trong đó có 11 đề án KCQG và 54 đề án khuyến công địa phương, tỉnh đã thực thiện được 7/9 nội dung của chương trình khuyến công, như: Đào tạo nghề; đào tạo khởi sự doanh nghiệp; hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm; hỗ trợ thiết kế bao bì đóng gói cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT)…
Chương trình khuyến công được ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm có lợi thế về nguồn nguyên liệu |
Tuy nhiên, hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và ứng dụng công nghệ tiến tiến, hiện đại vào sản xuất được đánh giá là nội dung thu được hiệu quả tốt nhất. Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã thực hiện 3 mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến gỗ, nông sản và sản xuất tấm lợp cách nhiệt với nguồn kinh phí hỗ trợ 1 tỷ đồng; thực hiện 30 đề án hỗ trợ thiết bị, máy móc với kinh phí hỗ trợ trên 2,1 tỷ đồng.
Theo đại diện UBND tỉnh Bắc Kạn, mặc dù là tỉnh miền núi, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn nhưng do được thường xuyên phân bổ nguồn kinh phí KCQG đã phần nào đáp ứng nhu cầu của địa phương. Chương trình khuyến công của tỉnh cũng đã tập trung ưu tiên hỗ trợ sản xuất sản phẩm địa phương có lợi thế về nguồn nguyên liệu; hỗ trợ các cơ sở nâng cao công nghệ sản xuất; xây dựng thương hiệu sản phẩm… Qua đó, giúp các doanh nghiệp CNNT phát triển một cách toàn diện cả về sản xuất, sản phẩm và thị trường. Đặc biệt, các doanh nghiệp còn được tư vấn về định hướng phát triển dài hơi cũng như kế hoạch sản xuất, kinh doanh theo từng năm, từng giai đoạn phù hợp với thực tế của thị trường.
Sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của chương trình khuyến công đã thu hút sự quan tâm của các cơ sở, doanh nghiệp CNNT. Chỉ riêng giai đoạn vừa qua, từ 2,6 tỷ đồng kinh phí hỗ trợ, chương trình khuyến công quốc gia đã thu hút hơn 29,3 tỷ đồng vốn đối ứng của các cơ sở, doanh nghiệp thụ hưởng.
Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng mục tiêu cụ thể cho Chương trình KCQG đến năm 2020.
Trong đó, tiếp tục ưu tiên hỗ trợ xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 10 cơ sở đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại; xây dựng và đăng ký thương hiệu cho 4 cơ sở, hỗ trợ thiết kế bao bì cho 15 cơ sở; lập quy hoạch chi tiết cho 1 cụm công nghiệp…
Để hoàn thành mục tiêu này, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực tổ chức triển khai thực hiện các đề án khuyến công được giao, xây dựng chương trình khuyến công theo định hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên cơ sở thực hiện các đề án có tính khả thi cao, hiệu quả rõ rệt. UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc nâng cao hiệu quả công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện triển khai các đề án khuyến công, phát hiện và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm hoàn thành đúng tiến độ.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng định hướng hoạt động khuyến công giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu triển khai 20 đề án KCQG, tổng kinh phí thực hiện 6 tỷ đồng; 100 đề án khuyến công địa phương, tổng kinh phí thực hiện 5 tỷ đồng. |