Khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên: Năng lượng tái tạo đạt hơn 13.000MW, chiếm gần 60% cả nước
Theo báo cáo của Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0), tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đạt 84.360 MW, trong đó điện năng lượng tái tạo đạt 22.541 MW, chiếm gần 30% hệ thống chưa kể thuỷ điện. Trong đó, điện gió 5.869 chiếm 6,96%; điện mặt trời farm nối lưới: 8.950 MW chiếm 10,61%; điện mặt trời mái nhà: 7.722 MW chiếm 9,15%.
Cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam (Nguồn A0) |
Ông Đinh Văn Cường - Phó Giám đốc công ty truyền tải điện 3 cho biết, tính đến hết năm 2023, Tổng công suất điện năng lượng tái tạo (NLTT) đấu nối vào lưới điện truyền tải Công ty Truyền tải điện 3 (PTC3) là 5.861 MW. Trong đó, có 20 nhà máy điện gió, điện mặt trời đấu nối chuyển tiếp vào lưới truyền tải; 9 nhà máy đấu nối vào thanh cái trạm biến áp (TBA) truyền tải; 28 nhà máy đấu nối vào thanh cái nhà máy NLTT khác.
Tổng công suất các nhà máy điện gió trên địa bàn là 23 nhà máy (2.308 MW); Điện mặt trời là 36 nhà máy với tổng công suất khoảng 3.553 MW.
Riêng phần nguồn điện NLTT đấu nối lưới điện phân phối của 09 Điện lực tỉnh thuộc Tổng công ty Điện lực Miền Trung và Tổng công ty Điện lực miền Nam là 5.063 MW. (Cấp điện áp 110kV gồm 61 Nhà máy điện mặt trời: 2.308 MW; Điện mặt trời trang trại và áp mái đấu nối ở cấp điện áp dưới 22kV: 2.755 MW).
Như vậy tính cả phần nguồn NLTT phía lưới phân phối thì tổng công suất đấu nối vào lưới điện truyền tải PTC3 và lưới điện phân phối của 9 Công ty điện lực khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên lên tới khoảng 10.000 MW và tỷ lệ cơ cấu nguồn NLTT tại khu vực là hơn 50%...
Điện năng lượng tái tạo tại 9 tỉnh khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên (Nguồn A0) |
Còn thống kê của A0, tổng công suất năng lượng tái tạo khu vực 9 tỉnh Nam miền Trung - Tây Nguyên là 13.212 MW, trong đó có 48 nhà máy điện gió (2.969 MW); 97 nhà máy điện mặt trời (5863 MW); 405 MW điện gió và 242 MW điện mặt trời các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp; 120 thủy điện nhỏ (1092 MW) và 3288 MW điện mặt trời mái nhà.
Kỹ sư PTC3 phối hợp kiểm tra, hỗ trợ kỹ thuật cho dự án điện mặt trời Phù Mỹ |
Theo ông Đinh Văn Cường, với cơ cấu nguồn điện NLTT trên lưới điện phân phối và lưới truyền tải rất lớn, làm cho một số đường dây (ĐZ) 220kV, MBA 220kV khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai luôn vận hành trong chế độ đầy tải, do đó các Trung tâm Điều độ A0, A2, A3 đang phải áp dụng biện pháp thay đổi kết dây, tận dụng tối đa khả năng tải các ĐZ 220kV.
Tình trạng trên đã khiến PTC3 gặp phải không ít khó khăn trong quá trình vận hành an toàn lưới điện truyền tải, trong phối hợp giải tỏa hết công suất nguồn điện của các nhà máy, cũng như quá trình bảo dưỡng, sửa chữa, xử lý sự cố phải cắt điện thực hiện vào ban đêm nên nguy cơ gây mất an toàn và mất ổn định của hệ thống truyền tải điện là rất cao.
Mặc dù có nhiều khó khăn nhưng thời gian qua, ngành điện đã nỗ lực đầu tư hệ thống lưới để giải toả hết công suất các nhà máy điện NLTT, và đến thời điểm này cơ bản năng lực truyền tải đã được đáp ứng. Bên cạnh đó, việc huy động với các nhà máy điện NLTT được thực hiện bình đẳng, công khai nhưng có xét đến khả năng hấp thụ của hệ thống.
Tuy nhiên, để đảm bảo vận hành lưới điện truyền tải an toàn, cấp điện cho khu vực và nền kinh tế, nhất là trong mùa khô, PTC3 mong muốn lãnh đạo các tỉnh, sở ban, ngành, chính quyền địa phương có lưới truyền tải điện đi qua, tiếp tục chỉ đạo Ban Chỉ đạo an toàn lưới điện cao áp các tỉnh chỉ đạo, tuyên truyền người dân đồng hành cùng chung tay bảo vệ an toàn lưới điện cao áp.
Đối với các dự án tăng cường khả năng truyền tải đang triển khai, đề nghị các địa phương hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi giải phóng đền bù, bàn giao mặt bằng để sớm hoàn thành đóng điện đưa vào vận hành.
Kiểm tra máy biến áp tại dự án điện mặt trời Phù Mỹ |
Đánh giá về công tác phối hợp quản lý vận hành, đại diện các chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành các nhà máy điện mặt trời, điện gió trên địa bàn đều cho rằng, PTC3 nói riêng và ngành truyền tải nói chung đã nỗ lực tối đa để giải toả công suất các nhà máy; hỗ trợ kỹ thuật, đấu nối… để các nhà máy vận hành an toàn, tin cậy, tuân thủ đúng quy trình điều độ và các quy định của A0. Tuy nhiên, các nhà máy điện cũng kiến nghị các cơ quan quản lý, các đơn vị ngành điện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để tăng huy động công suất vào những ngày cuối tuần hoặc dịp lễ, tết cũng như cập nhật các quy định mới, chia sẻ kinh nghiệm về công tác vận hành, sửa chữa, thí nghiệm… để họ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chung.