Theo tờ The Washington Post, Chính phủ Hoa Kỳ vừa phê duyệt dự án năng lượng địa nhiệt khổng lồ tại Utah, đánh dấu bước tiến quan trọng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Dự án Điện địa nhiệt Cape, do Fervo Energy thực hiện, đã được Cục Quản lý đất đai (BLM) thuộc Bộ Nội vụ phê duyệt. Sau khi hoàn tất, dự án có thể sản xuất tới 2 gigawatt điện, đủ để cung cấp năng lượng cho hơn 2 triệu ngôi nhà, đóng góp đáng kể vào mục tiêu giảm thiểu khí thải của Hoa Kỳ.
Nhà điều hành giàn khoan đi qua một địa điểm khoan địa nhiệt Fervo Energy gần Milford, Utah, vào năm 2023. Ảnh: Ellen Schmidt/AP |
Ngoài ra, BLM đang thúc đẩy quá trình cấp phép cho các dự án địa nhiệt trên khắp đất công Hoa Kỳ nhằm tăng tốc triển khai năng lượng tái tạo. Cơ quan này cũng tổ chức một đợt bán hợp đồng thuê đất công cho các nhà phát triển địa nhiệt, ghi nhận sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp.
Mặc dù không nổi tiếng như điện gió hay năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt đang nổi lên như một yếu tố quan trọng trong mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu. Bằng cách khai thác nhiệt độ từ dưới lòng đất để tạo ra điện, các nhà máy địa nhiệt thải ra lượng khí CO2 thấp hơn nhiều so với các nhà máy nhiệt điện than hay khí đốt tự nhiên. Công nghệ này giúp giảm đáng kể ô nhiễm môi trường và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Điểm đặc biệt của dự án lần này là công nghệ địa nhiệt tăng cường (enhanced geothermal), một bước tiến mới có nguồn gốc từ ngành khai thác dầu khí. Thay vì khai thác dầu mỏ hay khí đốt, công nghệ này sử dụng phương pháp nứt vỡ thủy lực (fracking) để khai thác nhiệt dưới lòng đất. Đây là giải pháp thay thế năng lượng sạch, có tiềm năng sản xuất đủ điện để cung cấp cho 65 triệu ngôi nhà, theo cố vấn khí hậu của Nhà Trắng, Ali Zaidi.
Hiện nay, Hoa Kỳ có khả năng sản xuất khoảng 4 gigawatt điện từ các dự án địa nhiệt. Dự án ở Utah dự kiến sẽ nâng mức này lên thêm 50% vào năm 2028. Đáng chú ý, các công ty công nghệ lớn, trong đó có Alphabet – công ty mẹ của Google, đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án địa nhiệt, nhằm tìm kiếm các nguồn năng lượng không phát thải cho các trung tâm dữ liệu sử dụng năng lượng khổng lồ.
Fervo Energy, công ty khởi nghiệp chỉ mới thành lập 7 năm, đã phát triển mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực khai thác nhiên liệu hóa thạch trước khi chuyển hướng sang năng lượng sạch. Tim Latimer, Giám đốc điều hành của Fervo, từng là kỹ sư khoan dầu khí, nhưng sau khi nhận ra tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ông đã chuyển hướng sang lĩnh vực địa nhiệt. Latimer cho biết, thách thức lớn nhất đối với ngành địa nhiệt hiện nay là giảm chi phí khoan, nhưng ông tin rằng đây là một ngành có tiềm năng to lớn chưa được khai thác đầy đủ.
Dù mang lại nhiều lợi ích cho môi trường, địa nhiệt tăng cường vẫn gặp phải một số phản đối từ các nhóm bảo vệ môi trường do phụ thuộc vào phương pháp fracking. Nhiều người lo ngại rằng phương pháp này có thể gây ra ô nhiễm nguồn nước ngầm và thậm chí là động đất. Tuy nhiên, Fervo khẳng định rằng rủi ro về ô nhiễm hay tác động địa chấn từ các dự án của họ thấp hơn nhiều so với các dự án dầu khí, nhờ việc khoan có mục tiêu rõ ràng và sử dụng công nghệ tiên tiến.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều biện pháp để thúc đẩy phát triển địa nhiệt, trong đó có việc đề xuất miễn trừ các dự án địa nhiệt khỏi một số yêu cầu đánh giá môi trường kéo dài theo Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia. Gần đây, BLM tại Nevada đã tổ chức một đợt bán hợp đồng thuê đất địa nhiệt lớn nhất từ năm 2008, với 218.000 mẫu đất công được bán đấu giá, thu về hơn 7,8 triệu USD, một con số cao hơn gấp nhiều lần so với các đợt bán trước đó.
Dù vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt là về tốc độ triển khai, Fervo tin rằng, công nghệ địa nhiệt tăng cường sẽ dần trở thành một giải pháp năng lượng chính thống trong tương lai. Latimer kỳ vọng rằng vào thập niên 2030, công nghệ này sẽ có thể cung cấp sản lượng điện lớn, đủ để cạnh tranh với các nhà máy điện hạt nhân, góp phần giải quyết vấn đề năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu.