Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - “Cửa ngõ” kết nối giao thương
Phối cảnh Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái |
Phát huy lợi thế đặc biệt
Ông Nguyễn Ngọc Ký – Bí thư Thành ủy thành phố Móng Cái - cho biết: Đây là KKTCK lớn nhất cả nước với diện tích trên đất liền và biển khoảng 121.197 ha; giáp Trung Quốc - nền kinh tế thứ hai thế giới; nằm trong khu vực hợp tác 2 hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc: Khu hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Ngoài những lợi thế nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – bổ sung thêm: Những năm gần đây, Quảng Ninh, trong đó có thành phố Móng Cái đã duy trì chỉ số môi trường kinh doanh luôn nằm trong top đầu cả nước, được doanh nghiệp trong, ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao. Môi trường kinh doanh thuận lợi là khác biệt tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút đầu tư của KKTCK này.
Trên thực tế, Móng Cái cũng là địa phương phát triển năng động, thành công nhất trong số 28 KKTCK cả nước. Trong giai đoạn từ 2010-2015, tổng giá trị hàng hóa qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt trên 23 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với 5 năm trước. Lượng khách du lịch qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 3,08 triệu lượt người, tăng bình quân gần 16,1%/năm. Tổng thu ngân sách địa phương đạt gần 6.000 tỷ đồng, đứng trong top đầu 7 địa phương biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc.
Đón vận hội mới
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Ký, những kết quả mà KKTCK Móng Cái đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Đến nay, KKTCK này mới chỉ thu hút được 21 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn đăng ký đạt 1,112 tỷ USD và 71 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư trên 11,65 nghìn tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, để đưa KKTCK Móng Cái trở thành cầu nối giữa Việt Nam - Asean – Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Cộng đồng Kinh tế Asean, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp hình thành, ký kết, Quảng Ninh phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng; lựa chọn, xây dựng lĩnh vực đầu tư phù hợp đồng thời rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư, sản xuất - kinh doanh.
Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ: Tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục nâng cao chất lượng điều hành; giải quyết 3 vấn đề cơ bản: Tạo lòng tin đối với nhà đầu tư, đổi mới tư duy và đẩy nhanh tốc độ cải cách hành chính theo kịp tốc độ kinh doanh.
Ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh – khẳng định: Với quan điểm "Phát triển nhanh, bền vững”, Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung sẽ tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch.
Quy hoạch mới theo Quyết định 1626/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu phát triển KKTCK Móng Cái trở thành một cực tăng trưởng kinh tế năng động bền vững của tỉnh Quảng Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. |