Khu công nghiệp xanh: Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hoá
Phát triển xanh là xu hướng tất yếu
Theo các chuyên gia, mô hình phát triển khu công nghiệp theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực với động lực phát triển chủ yếu dựa vào tiềm năng về đất dần không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Xây dựng và phát triển được mô hình khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái… đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xanh trên toàn cầu là việc cần thiết.
Phát triển các khu công nghiệp xanh là xu hướng tất yếu (Ảnh minh hoạ) |
Tại các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển, đang chứng kiến sự chuyển đổi mạnh mẽ trong các mô hình khu công nghiệp và khu kinh tế. Các mô hình truyền thống hướng đến sản xuất, xuất khẩu và dựa chủ yếu vào ưu đãi về tài chính đang được chuyển đổi, thay thế sang các hình thức khác dựa trên mô hình quản lý tiên tiến; hợp tác, cộng sinh công nghiệp để sử dụng hiệu quả nguyên vật liệu, năng lượng, tài nguyên, chia sẻ dịch vụ dùng chung nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Với sự chuyển dịch này, thời gian qua, Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng đưa ra chiến lược phát triển mới cho các khu công nghiệp Việt Nam. Trước hết là ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đây cũng chính là xu hướng chủ đạo trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất thông minh toàn cầu.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho biết, xây dựng khu công nghiệp bền vững sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, không chỉ về kinh tế mà còn về môi trường và xã hội. Cụ thể là giảm tác động môi trường; tiết kiệm năng lượng và nguồn lực; tăng cường đổi mới và sự hợp tác; nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu tại thời điểm hiện tại, đồng thời giảm nguy cơ rủi ro về pháp lý trong tương lai; tạo ra môi trường làm việc tốt hơn trong khu công nghiệp, cũng như mang đến nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Ông Trương Khắc Nguyên Minh – Phó Tổng Giám đốc KCN Deep C (một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản công nghiệp tại Việt Nam hiện nay) cho biết, hiện nay, KCN Việt Nam tiếp nhận nhiều yêu cầu của nhà đầu tư khi đặt vấn đề về nhà xưởng, nhà kho. Bên cạnh những tiêu chí về chất lượng nhà xưởng, nhà kho, các nhà đầu tư còn có yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xanh.
“Việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chưa kể, xu hướng của các quốc gia hiện nay ngày càng đặt yêu cầu cao về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Cho nên các nhà đầu tư ngày càng yêu cầu cao về vấn đề này” – ông Trương Khắc Nguyên Minh nói.
Phát triển logistics xanh hiện nay cũng là xu hướng tất yếu. Tiến sỹ Nguyễn Tiến Minh -chuyên gia nghiên cứu về logistics cho biết, phát triển logistics xanh bao gồm nhiều hoạt động, như cải tiến các phương tiện vận tải sử dụng nhiều nhiên liệu và thải ra môi trường khí thải độc hại, nâng cấp chất lượng hệ thống hạ tầng giao thông, chuyển đổi từ vận chuyển đường bộ sang đường thủy, đường sắt; sử dụng phương tiện vận tải thân thiện với môi trường hoặc ít phát thải khí carbon…
Thêm vào đó, logistics xanh còn là xanh hóa hoạt động kho bãi, như thiết kế và xây dựng kho bãi không chỉ yêu cầu đảm bảo lưu trữ an toàn cho hàng hóa mà còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Các khu công nghiệp tích hợp các tiêu chuẩn xanh như có hệ thống năng lượng mặt trời, đáp ứng các tiêu chuẩn công trình xanh đang là xu hướng được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn.
Thêm nguồn cung cho bất động sản khu công nghiệp
Để tăng nguồn cung cho bất động sản khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn xanh, ngày 2/8, tại Hải Phòng, Tập đoàn KCN Việt Nam đã tổ chức lễ động thổ Giai đoạn 02 dự án kho xưởng xây sẵn tại Khu công nghiệp DEEP C - Hải Phòng.
Tập đoàn KCN Việt Nam tổ chức lễ động thổ Giai đoạn 2 dự án kho xưởng xây sẵn tại Khu công nghiệp DEEP C - Hải Phòng |
Sau khi hoàn thành vào quý 01/2025, phân khu này sẽ bổ sung hơn 80.000 m² kho xưởng hỗn hợp và nhà kho chất lượng cao, nâng tổng diện tích sàn cho thuê của cả dự án lên hơn 150.000 m². Với tổng diện tích 23,2 ha cùng vị trí chiến lược tại thành phố biển Hải Phòng, dự án KCN Deep C được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu thuê và sử dụng kho bãi của các doanh nghiệp, đồng thời góp phần giúp Hải Phòng tiếp tục thu hút vốn đầu tư FDI đa ngành, đa lĩnh vực với logistics là mũi nhọn.
Đáng chú ý, KCN Deep C – Hải Phòng (giai đoạn 02) là dự án tiên phong của Tập đoàn KCN Việt Nam trong việc áp dụng các tiêu chuẩn về công trình xanh và hướng tới đạt chứng chỉ LEED Bạc (Silver). Trước đó, Tập đoàn KCN Việt Nam đã công bố định hướng phát triển công trình xanh, mục tiêu đạt các quy chuẩn, chứng nhận về tính bền vững cho các công trình xây dựng trong tương lai.
Việc áp dụng tiêu chuẩn LEED và các quy chuẩn về công trình xanh không chỉ thể hiện trách nhiệm xã hội của Tập đoàn KCN Việt Nam mà còn tạo ra lợi thế dành cho các doanh nghiệp khách hàng khi có thể nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm đến 25% năng lượng và giảm 10% lượng nước sử dụng, tối ưu hoá chi phí vận hành… đồng thời tạo ra môi trường làm việc lành mạnh, góp phần tăng năng suất lao động và phúc lợi cho người dân địa phương.
Một khu công nghiệp khác tại Hải Phòng được nhà đầu tư ưa chuộng nhờ đáp ứng được các tiêu chuẩn về khu công nghiệp sinh thái là Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Đây được đánh giá là khu công nghiệp sinh thái điển hình đầu tiên có mặt tại Việt Nam khi thực hiện nghiêm túc đúng chỉ tiêu về xây dựng và phát triển đa dạng sinh học trong môi trường công nghiệp.
Khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống thu gom, vận chuyển toàn bộ lượng nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp và xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; áp dụng các biện pháp "tuần hoàn cục bộ" kết hợp với "tuần hoàn toàn diện". Nhờ đó, nguồn nước được khép kín tuần hoàn và giảm tác động ô nhiễm và nguồn tài nguyên nước. Điện sử dụng bên trong Khu công nghiệp là hệ thống điện năng lượng mặt trời thân thiện môi trường và bền vững.
Hải Phòng là một trong ba địa phương đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) sau 6 tháng đầu năm 2024, với tỷ lệ của các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo, logistics đạt hơn 93%. Nghị quyết số 30-NQ/TW năm 2022 của Bộ Chính trị đã đặt ra tầm nhìn phát triển Hải Phòng thành trung tâm logistics quốc tế hiện đại. Dựa trên mục tiêu này, thành phố cũng đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics ấn tượng, đạt khoảng 20 - 23%/năm, thu hút nhiều tập đoàn logistics đa quốc gia tham gia đầu tư. Trong bối cảnh đó, những khu công nghiệp xanh như KCN Deep C giai đoạn 2, Nam Cầu Kiền... với vị trí chiến lược trong vùng kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia và chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội, đang đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn FDI nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng, hiện thực hoá mục tiêu của thành phố Cảng.