Không đổi mới, doanh nghiệp khó “sống khỏe”
Trên cương vị là đại biểu Quốc hội, ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Bộ Công Thương trong quá trình đàm phán các FTA thời gian qua?
Tôi đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc hiện thực hóa các chủ trương của Chính phủ về hội nhập kinh tế quốc tế, mà cụ thể là đàm phán các hiệp định như FTA Việt Nam- Hàn Quốc, FTA Việt Nam- Liên minh Kinh tế Á- Âu, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… cũng như sự phối hợp của Bộ Công Thương với các bộ, ngành trong việc tuyên truyền công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ đã và tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách để loại bỏ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình hội nhập; nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cho một số sản phẩm trong hội nhập.
Bộ Công Thương đã chủ động lấy ý kiến, tích cực lắng nghe người dân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt tình hình, hiểu được những thuận lợi, khó khăn trong quá trình phát triển để từ đó báo cáo Chính phủ, đưa ra những phương án đàm phán phù hợp.
Từ những nỗ lực của Bộ Công Thương, nhiều FTA đã nhanh chóng được ký kết, theo hướng có lợi nhất cho doanh nghiệp trong nước nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Ông nhận định thế nào về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập?
Trước hết, xuất khẩu hàng hóa sẽ thuận lợi hơn. Một số mặt hàng xuất khẩu trước đây bị đánh thuế rất cao, có khi đến hơn 20%, nhưng sau khi FTA được ký kết đã trở về 0%. Về thị trường, hầu hết đối tác ký hiệp định với Việt Nam có thị trường lớn, sức tiêu thụ cao. Mặt hàng được hưởng lợi thế nhiều nhất có lẽ là dệt may và da giày. Sản phẩm dệt may và da giày không thua kém nước nào trên thế giới, cộng với nhân lực dồi dào, chi phí nhân công thấp… hai ngành này sẽ có cơ hội “bùng nổ”. Một số ngành khác như: Nông nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ… tuy áp lực cạnh tranh không nhỏ nhưng nếu có chủ trương, đường lối đúng đắn thì chúng ta hoàn toàn có khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, nhờ hợp tác kinh tế, doanh nghiệp trong nước cũng có nhiều cơ hội học tập kinh nghiệm từ đối tác, đồng thời nâng cao năng lực.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận: Nếu không đổi mới khi hội nhập kinh tế, doanh nghiệp khó “sống khỏe”. Nguyên nhân do sản phẩm của doanh nghiệp trong nước phần lớn chưa có sức cạnh tranh cao, trình độ quản trị còn nhiều yếu kém, năng suất lao động thấp... Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ. Trong khi đó, tại các quốc gia ký FTA với chúng ta, doanh nghiệp của họ có tuổi đời, tuổi nghề cao, mô hình quản trị tốt… nên khả năng hội nhập hơn hẳn doanh nghiệp trong nước.
Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế trên thương trường?
Trước hết, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tái cấu trúc lại, đặc biệt sau một thời gian suy thoái kinh tế đã làm cho nhiều doanh nghiệp phải từ bỏ thương trường. Thứ hai, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế, truyền thống để tránh rơi vào “bẫy” đầu tư dàn trải. Thứ ba, phải nâng cao khả năng quản trị bởi khi hội nhập sâu rộng đây là yếu tố quan trọng đến sự thành bại của doanh nghiệp. Thứ tư, doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng sản phẩm, thời gian, phương thức giao hàng; mẫu mã, hình thức, giá thành... Thứ năm, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận các thị trường mới, mở rộng thị trường truyền thống.
Xin cảm ơn ông!