Không chủ quan trước áp lực lạm phát
Ảnh minh họa |
2 tháng đầu năm, những lĩnh vực kinh tế trọng điểm đóng góp vào tăng trưởng GDP đều chuyển biến khá tích cực. Số liệu Tổng cục Thống kê công bố cho thấy: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 2,4% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016. Cả nước có 18.703 doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký 197.300 tỷ đồng, tăng 29,4% về số doanh nghiệp và tăng 29,3% về vốn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 704.000 tỷ đồng, tăng 10,1%. Xuất khẩu đạt 33,62 tỷ USD (tăng 22,9%), nhập khẩu đạt 32,54 tỷ USD (tăng 15,3%), cán cân thương mại thặng dư 1,08 tỷ USD...
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm tăng 2,90% so với bình quân của cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 2/2018 tăng 1,24% so với tháng 12/2017 và tăng 3,15% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản trong tháng 2/2018 tăng 0,49% so với tháng 1 và tăng 1,47% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm tăng 1,32% so với cùng kỳ năm 2017. Một số chuyên gia cho rằng, đảm bảo giữ được mục tiêu lạm phát cả năm khoảng 4% như Quốc hội giao sẽ là một thách thức, bởi bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn có những biến động.
Theo Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế - xã hội (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu không theo dõi chặt chẽ diễn biến CPI để có những giải pháp thích hợp sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng. NCIF dự báo nếu tăng trưởng GDP cả năm đạt 7% thì lạm phát trung bình sẽ ở mức 4,8% hoặc cao hơn. Trong khi Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo, mức tăng GDP khả thi nhất năm 2018 là khoảng 6,5%, khi đó lạm phát có thể duy trì khoảng 3,8% đạt mục tiêu đề ra.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 1/3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Trong bối cảnh thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ công như giáo dục, y tế...; giá dầu thô và các loại hàng hóa có xu hướng tăng; nhiều đối tác lớn điều chỉnh tăng lãi suất, trong khi Việt Nam cần cân đối hài hòa một lượng ngoại tệ lớn... Do đó, cần chú trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến lạm phát, nghiên cứu, phân tích kỹ tình hình để đề xuất Chính phủ ban hành giải pháp điều hành kịp thời, thích hợp với những diễn biến mới. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải trực tiếp chỉ đạo công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất phù hợp; kết hợp đồng bộ chính sách tài khóa với những chính sách khác để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Các bộ, ngành chức năng phải nghiên cứu, cân nhắc kỹ khi điều chỉnh giá điện, giá một số dịch vụ công và chỉ thực hiện khi điều kiện, thời điểm thích hợp.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đánh giá: Lạm phát năm 2018 chịu áp lực chủ yếu từ điều chỉnh tăng giá một số dịch vụ công và thực phẩm. |