![]() |
Người trồng khóm phụng tích cực chăm sóc |
Thời điểm này khóm phụng, khóm son, khóm lân đã rực sắc, vươn mình tạo dáng độc đáo trong nắng để chuẩn bị tô điểm cho mâm ngũ quả ngày Tết cổ truyền thêm ý nghĩa. Cứ khoảng 23 tháng chạp hàng năm là thương lái khắp nơi đổ về huyện Tân Phước để ngã giá, thu mua phục vụ chưng mâm ngũ quả và chưng nghi cho ngày Tết cổ truyền.
Theo các nhà vườn khóm phụng, khóm son, khóm lân chăm sóc tương đối dễ như khóm thịt, thời gian kéo dài, mỗi năm chỉ cho trái 1 vụ. Nếu bón phân và phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh đầy đủ thì khóm sẽ đạt chất lượng. Quá trình xử lý để khóm phụng, khóm son, khóm lân đạt theo yêu cầu tương đối khó, trung bình chỉ có khoảng 30 đến 40% khóm xử lý đạt. Chính vì vậy khóm phụng, khóm son, khóm lân đẹp, được tuyển chọn tại vườn có giá không dưới 300.000 đồng/trái, nếu thương lái thu mua hết vườn, không phân loại thì giá khoảng 50 đến 80.000 đồng/trái. Chị Nguyễn Thị Biết, xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) cho biết: “Khóm phụng rất dễ trồng, để tiết kiệm đất, tăng số lượng cây chỉ cần chừa 1 khoảng trống làm đường đi (khoảng 0,5m) để đi lại, tiện cho việc tưới nước, bón phân hay chăm sóc. Phần đất còn lại trồng hết. Mỗi liếp từ 3-4m, cây cách cây 0,4m. Trồng dày, khóm phụng sẽ không cho trái đẹp, cựa không ra nhiều. Trước và sau xử lý cây khóm phải được bón phân đầy đủ để cây đủ sức nuôi trái”.
Anh Lê Văn Thọ, xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) trồng 500 cây khóm lân, xử lý đạt hơn 200 trái phấn khởi chia sẻ: “Cứ khoảng 20 tháng 8 âm lịch là tiến hành xử lý bằng cách tưới khí đá vào ngọn cây khóm, sau đó chăm sóc cẩn thận, bón phân để khóm đủ chất dinh dưỡng ra trái to, cựa nhiều, tạo hình đẹp và phun thuốc để khóm không bị thúi hay bị sâu đục trái làm mất giá trị trái khóm. Một năm mới ra trái 1 lần mà trái khóm không được đẹp thì tiếc lắm”.
Khóm phụng là loại khóm kiểng cho trái phân thành nhiều nhánh, nhiều tầng tạo thành hình chim phượng hoàng đang xòe cánh. Đây là loại trái đẹp, độc đáo chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết hoặc kết hình rồng phụng trong các hội thi chưng nghi, hội hoa xuân. Năm nay, khóm phụng, khóm lân, khóm son hứa hẹn được mùa nên thời điểm này bà con trồng loại khóm này chỉ chờ trúng giá để có một cái tết trọn vẹn.
Anh Trần Văn Năm, xã Thạnh Mỹ (Tân Phước) trồng 400 cây khóm phụng và 500 cây khóm son cho biết: “Khóm son dễ chăm sóc hơn khóm phụng, trồng mật độ dày hơn nhưng hiệu quả kinh tế không cao bằng khóm phụng, khóm son. Mấy ngày nay đã có thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…vào xem khóm nhưng chưa ngã giá, năm nay thấy thương lái đi xem sớm, nhiều hơn mọi năm, bà con trồng khóm cũng vui vui trong bụng. Năm trước, khóm phụng đẹp của gia đình bán 1 cặp được 700.000 đồng; khóm son trái đẹp 30.000 đồng/trái. Có những năm, một cặp khóm phụng đạt chất lượng, có hình dáng đẹp bán được hơn 2 triệu đồng. Năm nay hi vọng khóm phụng, khóm son, khóm lân giá cũng cao như mọi năm để gia đình có điều kiện vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc”.
Hiện khóm phụng, khóm son, khóm lân đang được trồng nhiều nhất tại xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang. Dù diện tích không nhiều như khóm thịt nhưng giá trị kinh tế của loại trái cây này mang lại cao gấp nhiều lần so với khóm thịt, giúp nhiều gia đình nơi đây có thêm điều kiện vui xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc. Ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội nông dân Thạnh Mỹ (Tân Phước) cho biết: “Khóm phụng, khóm lân, khóm son có giá trị kinh tế rất cao, dù chỉ tập trung bán vào dịp Tết nhưng cao gấp nhiều lần so với khóm thịt. Hiện nay, giống khóm này đang khan hiếm hàng chỉ tập trung ở một số ít hộ gia đình của xã với diện tích khoảng 2 hécta. Chính vì thế, hội nông dân chúng tôi đang khuyến khích bà con nhân rộng các giống khóm này, nuôi con giống, mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo. Nhờ loại trái này mà bà con nông dân nơi đây có thêm thu nhập, trang trải cho 3 ngày Tết”.