Khơi thông tiềm năng xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu cho khu vực Tây Bắc
Giá trị xuất khẩu 9 tháng ước đạt 2.164,63 triệu USD
Khu vực Tây Bắc gồm 6 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) thuộc vùng cao miền núi, có đường biên giới trải dài phía Bắc của Việt Nam, tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, và nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, là khu vực, địa bàn chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế, có vai trò quan trọng trong vùng sinh thái của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Với những đặc điểm về tự nhiên, vị trí địa lý, địa hình và khí hậu đa dạng, có một số tài nguyên có giá trị… do vậy khu vực Tây Bắccó nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi phát triển về nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp (năng lượng tái tạo, khai khoáng, chế biến, thủy điện…), du lịch, kinh tế cửa khẩu. Và là khu vực có nhiều lợi thế trong việc mở rộng giao lưu kinh tế, trung chuyển, xuất khẩu hàng hóa, tiếp giáp với nước có nền kinh tế lớn và phát triển năng động bậc nhất thế giới (Trung Quốc).
Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ Kim Thành (Lào Cai - Việt Nam) - Hà Khẩu (Vân Nam - Trung Quốc) |
Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, cùng với những chương trình, chính sách kịp thời từ Chính phủ, các Bộ ngành, khu vực Tây Bắc đã đẩy mạnh các hoạt động như xúc tiến thương mại, hoạt động xuất nhập khẩu thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh.
Đánh giá về hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu của khu vực tại "Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" được tổ chức tại Điện Biên mới đây, ông Vũ Hồng Sơn - Giám đốc Sở Công Thương Điện Biên cho biết, trong năm 2022, 9 tháng đầu năm 2022, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thươngvới chính quyền địa phương các tỉnh trong khu vực cùng với những nỗ lực của toàn ngành Công Thương, sự ủng hộ phối hợp tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của vùng Tây Bắc cũng như của cả khu vực phía Bắc và cả nước.
"Các chương trình xúc tiến thương mại được tổ chức thành công, mang lại nhiều ích lợi, cơ hội và các nguồn thông tin đáng tin cậy cho các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ hội cho phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, quảng bá, giới thiệu nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm có ưu thế vùng miền có cơ hội được tiếp cận đến các thị trường xuất khẩu. Công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu và xúc tiến thương mại được tăng cường, các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đưa hàng hóa về nông thôn, miền núi, vùng biên giới được triển khai tích cực, góp phần thúc đẩy tiêu thụ và sức mua trên thị trường" - ông Sơn nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo ông Sơn, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng từ các sự kiện chính trị, kinh tế lớn trên thế giới, tuy nhiên các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của khu vực vẫn duy trì ổn định. Nhờ các hiệp định thương mại tự do, thị trường xuất khẩu đang dần được mở rộng đã tạo điều kiện thuận lợi cho phép các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp vùng Tây Bắc nói riêng tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất hướng đến mở rộng thị trường tới các nước thành viên của các hiệp định.
Theo đó, giá trị xuất khẩu 9 tháng năm 2022 của các tỉnh trong khu vực Tây Bắc năm 2022 ước đạt 2.164,63 triệu USD, đạt 59,4% kế hoạch đề ra và chiếm 7,66% so với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước (2.164,63/28.252 triệu USD; theo số liệu dự ước của Tổng cục Thống kê).
Mặt hàng xuất khẩu khá phong phú về chủng loại, tập trung ở các sản phẩm nông lâm sản (trái cây tươi, trái cây qua sơ chế, chè, măng, quế, rau củ, gỗ ván bóc, đũa gỗ,…), các mặt hàng công nghiệp và chế biến khoáng sản, hàng may mặc và các mặt hàng khác.
Lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Bắc tham quan các gian hàng tại "Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Bắc với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" ngày 21/10 |
Kết quả hoạt động xuất khẩu của các tỉnh: Hòa Bình đạt 1.056,8 triệu USD, Lào Cai đạt 690 triệu USD, Yên Bái đạt 222,16 triệu USD, Sơn La đạt 124,44 triệu USD, Điện Biên đạt 63,15 triệu USD, Lai Châu đạt 8,08 triệu USD. |
"Về thị trường xuất khẩu của các tỉnh trong vùng Tây Bắc, hiện tại đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu tới hơn 60 thị trường các nước trên thế giới" - ông Sơn thông tin.
Bên cạnh đó, về hoạt động nhập khẩu, giá trị nhập khẩu 9 tháng năm 2022 ước đạt 1.380,7 triệu USD, chiếm 5,02% giá trị nhập khẩu chung của cả nước (1.380,7/27.570 triệu USD). Mặt hàng nhập khẩu khá đa dạng chủ yếu là các sản phẩm máy móc thiết bị, phân bón, hóa chất, các loại rau củ quả, nguyên phụ liệu, các sản phẩm hàng tiêu dùng.
Loại bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, song đại diện Sở Công Thương Điện Biên cho rằng, do tác động từ dịch bệnh Covid-19 và các sự kiện chính trị, kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế trong nước nói chung và khu vực Tây Bắc nói riêng. Theo đó, các hoạt động xuất nhập khẩu và xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài cũng ít nhiều bị gián đoạn.
Bên cạnh đó, phần lớn các doanh nghiệp trong vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế năng lực sản xuất, trình độ công nghệ, năng lực cạnh tranh. Công tác phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư chưa được thực hiện thường xuyên. Giá trị xuất khẩu còn thấp, mặt hàng xuất khẩu chưa phong phú, đa dạng, khả năng cạnh tranh chưa cao, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm thô, gia công. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng vững chắc.
Ngoài ra, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập, chưa đạt được sự hài hòa về lợi ích. Việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, yêu cầu, điều kiện trong quá trình sản xuất sản phẩm còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ chưa rõ nét, chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh, nội vùng, khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa cao, chưa đáp ứng và thu hút thị hiếu người tiêu dùng.
Công tác xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, nhất là quy hoạch phát triển các sản phẩm xuất khẩu gắn với nhu cầu của thị trường còn nhiều hạn chế; Việc thực hiện chuyển đổi số một số nội dung trong hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử còn nhiều khó khăn, chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại.
Để nâng cao hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu cho khu vực Tây Bắc, các địa phương kiến nghị Chính phủ cần khơi thông từ cơ chế chính sách như loại bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết |
Trước nhiều khó khăn, thách thức, một số nhiệm vụ, giải pháp về hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu những tháng cuối năm 2022 đã được đề ra cho khu vực như: Kịp thời cập nhật, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đã được phê duyệt trong năm 2022, góp phần thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm và tăng sức mua trên thị trường; đổi mới công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; củng cố phát triển thị trường truyền thống và khai thác phát triển các thị trường mới.
Tăng cường các hoạt động kết nối thông tin giữa các tỉnh trong nước và các tổ chức xúc tiến thương mại. Đa dạng hóa các loại hình xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài; nghiên cứu nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp để hỗ trợ bằng các loại hình xúc tiến phù hợp.
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động liên kết vùng giữa các thành viên trong khu vực Tây Bắc nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, khắc phục khó khăn hạn chế, phát huy được các thế mạnh của từng địa phương trong hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu (kinh nghiệm sản xuất, chế biến, tìm kiếm thị thường, tìm kiếm đối tác, tổ chức xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá....).
Tuy nhiên, để đạt được những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, các tỉnh thành trong khu vực đã có những đề xuất với Chính phủ như cần hoàn thiện các quy định của pháp luật trong hoạt động xúc tiến thương mại điện tử theo hướng loại bỏ các thủ tục, quy định không cần thiết; Bổ sung các quy định pháp lý cụ thể điều chỉnh các quan hệ trong hoạt động xúc tiến thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, đề nghị Cục Xúc tiến thương mại; Ban quản lý Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ giúp đỡ các địa phương đặc biệt là các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như các tỉnh vùng Tây Bắc trong việc định hướng, hướng dẫn triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại đặc biệt là chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại để mang lại hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản xuất kinh doanh.