Thứ tư 13/11/2024 02:46

Khơi dậy tiềm năng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm tại Việt Nam

Mặc dù còn nhiều tiềm năng về tiết kiệm năng lượng nhưng các chuyên gia cũng đã chỉ ra những thách thức của Việt Nam trong hoạt động này.

Để tìm giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi công nghệ và tiếp cận nguồn tài chính xanh nhằm hướng đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, vừa qua tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức Tọa đàm "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam: Thách thức và cơ hội thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng”.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm "Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam: Thách thức và cơ hội thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng”.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Dự án VSUEE do Quỹ khí hậu xanh (GCF) tài trợ thông qua Ngân hàng Thế giới (World Bank). Dự án được xây dựng nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp của Việt Nam, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu giảm phát thải nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thông tin tại tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) khẳng định: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những giải pháp trọng tâm giúp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, bảo tồn nguồn tài nguyên, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 6 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương)

Xác định được tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Việt Nam đã sớm ban hành các chính sách liên quan và đến hiện tại, khung pháp lý của Việt Nam tương đối hoàn thiện. Cụ thể, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; các Nghị định và nhiều văn bản hướng cũng đã được ban hành kịp thời.

Cũng theo ông Vũ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam còn rất lớn. Cường độ năng lượng của Việt Nam hiện nay còn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Theo báo cáo thống kê năng lượng mới nhất của Bộ Công Thương, tổng cường độ năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 100 triệu tấn dầu quy đổi, với quy mô GDP khoảng hơn 400 tỷ USD.

Cường độ sử dụng năng lượng này so với Nhật Bản cao hơn gấp 4 lần, còn so với các nước trong khu vực như Malaysia hay Thái Lan thì cũng đang cao hơn từ 50% đến 60%. Điều này cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Trong khi đó, bà Zayra Romo - Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng và Điều phối viên ngành Năng lượng, Ngân hàng Thế giới bày tỏ: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có vai trò quan trọng vào việc giảm cường độ năng lượng cũng như đóng góp vào quá trình đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bà Zayra Romo - Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng và Điều phối viên ngành Năng lượng, Ngân hàng Thế giới.

Quá trình này chắc chắn sẽ gặp phải nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chúng tôi cũng ghi nhận những sự tiến triển đáng kể, đặc biệt là sự tham gia tích cực của các ngân hàng thương mại và định chế tài chính trong việc cho vay nhằm thúc đẩy hơn nữa việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam”, bà Zayra Romo nhấn mạnh.

Theo ông Chu Bá Thi - Chuyên gia năng lượng cao cấp, Ngân hàng Thế giới, mặc dù tiết kiệm năng lượng đã được coi là một trong các giải pháp hiệu quả, thiết thực trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, ổn định phát triển kinh tế. Tuy nhiên thực tế cho thấy việc đầu tư tiết kiệm năng lượng trong các doanh nghiệp công nghiệp nói chung còn chưa tương xứng với lợi ích mà đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng mang lại.

Chia sẻ về quá trình triển khai việc cho vay đầu tư thực hiện các dự án tiết kiệm năng lượng, bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cho biết: “Bên cạnh những thuận lợi còn đó nhiều khó khăn. Có một số dự án tiết kiệm năng lượng mà ngân hàng tài trợ về thiết bị công nghệ, thì những thiết bị này cũng chỉ là một phần trong toàn bộ hệ thống của doanh nghiệp, nên ngân hàng phải tính toán, đánh giá hiệu quả đầu tư, thời gian hoàn vốn… sao cho phù hợp”.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu tham dự đã được lắng nghe các chuyên gia giới thiệu khung chính sách tiết kiệm năng lượng và Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật của Dự án VSUEE. Với vai trò là đơn vị quản lý Quỹ chia sẻ rủi ro (RSF) của dự án, đại diện SHB đã giới thiệu những thông tin chi tiết về Quỹ RSF và tiến độ triển khai.

Theo đó, Quỹ RSF có quy mô 75 triệu USD từ nguồn vốn hoàn lại do Quỹ khí hậu xanh cấp thông qua Ngân hàng Thế giới. Quỹ được thành lập để cung cấp giảm thiểu rủi ro tín dụng của các tổ chức tài chính tham gia khi cho vay các dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng dưới hình thức phát hành bảo lãnh tín dụng RSF.

Thúc đẩy tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp Việt Nam (VSUEE) được triển khai từ tháng 3/2022 đến tháng 01/2026 trên phạm vi cả nước. Được Bộ Công Thương chủ trì chịu trách nhiệm chung kết quả thực hiện dự án.

Dự án bao gồm 02 hợp phần:

Hợp phần 1:

Vận hành Quỹ chia sẻ rủi ro (Risk Sharing Facility - RSF): Hợp phần 1 có kinh phí là 03 triệu USD viện trợ không hoàn lại, dùng để triển khai các hoạt động của Quỹ chia sẻ rủi ro.

Hợp phần 2:

Hỗ trợ kỹ thuật: Hợp phần 2 có kinh phí 8,3 triệu USD, dùng để Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực cho các bên tham gia Dự án, xây dựng và hoàn thiện khung chính sách, hướng dẫn thực hiện, hỗ trợ các hoạt động tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đức Lâm

Tin cùng chuyên mục

Giải bài toán lãng phí từ dự án lưới điện - Bài 1: Hàng loạt dự án cấp bách chậm tiến độ

Tòa nhà Bảo tàng Hà Nội: Tiết kiệm năng lượng nhờ thiết kế xanh

Thừa Thiên Huế: Đâu là nguyên nhân khiến sản xuất điện giảm trong 10 tháng đầu năm?

Chính sách năng lượng Mỹ: Chuyển đổi lớn dưới thời ông Donald Trump?

Sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu tháng 10 tăng 7%

PC Đắk Lắk: Tăng cường tuyên truyền an toàn điện trong thời điểm giá nông sản tăng cao

Cách tính hóa đơn tiền điện trong tháng điều chỉnh giá như thế nào tại 21 tỉnh thành phía Nam?

Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng: Vượt kế hoạch tiến độ tháng 10/2024

Hải Dương: Chấp thuận dự án truyền tải điện tổng mức đầu tư hơn 783 tỷ đồng

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu những nhiệm vụ trọng tâm để gỡ vướng cho các dự án lưới điện

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì họp trực tuyến về các dự án lưới điện

Sửa đổi Luật Quy hoạch và Luật Đầu tư: Động lực mới cho ngành điện Việt Nam

EVNCPC chủ động ứng phó với mưa lớn khu vực miền Trung

Tổng giám đốc EVNCPC kiểm tra công tác khắc phục hậu quả của bão số 6 tại PC Quảng Bình

EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần

Phổ biến Nghị định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ

Ngành điện miền Nam đưa vào vận hành loạt công trình điện trọng điểm

Nghiên cứu cơ chế giá điện khuyến khích khách hàng điều chỉnh phụ tải điện

Bất chấp các lệnh trừng phạt Nga vẫn ‘bơm’ khí đốt cho châu Âu

Hoàn thiện công trình lưới điện trung hạ áp khu vực Chư Prông, Gia Lai