Khai mạc Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững
Tham dự hội nghị có đại diện Bộ Công Thương(Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững), đại diện các Bộ, ngành liên quan, UBND thành phố Đà Nẵng, Sở Công Thương các tỉnh/thành phố, các trung tâm khuyến công, trung tâm tiết kiệm năng lượng các tỉnh/thành phố, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững tại các tỉnh, thành trên toàn quốc.
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh: Vũ Lê) |
Chuyển đổi xanh hướng đến kinh tế tuần hoàn đã và đang là xu hướng và mục tiêu thiên niên kỷ của toàn thế giới, đây cũng là một trong những giải pháp được toàn cầu hướng đến để giảm thiểu tác động của con người đối với môi trường và Việt Nam chúng ta không nằm ngoài xu hướng này. Chuyển đổi xanh được hiểu là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chuyển đổi xanh hướng đến giảm tình trạng suy giảm hệ sinh thái và tác động xấu đến môi trường của từ con người.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26 diễn ra năm 2021, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải khí nhà kính ròng bằng "0" vào năm 2050. Tiếp theo, tại COP28, Việt Nam một lần nữa tái khẳng định điều này thông qua việc xây dựng và thực hiện các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng hệ sinh thái năng lượng tái tạo; nghiêm túc theo đuổi cam kết quốc gia tự quyết định, chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và nhiều hoạt động khác nhằm giảm thiểu phát thải carbon.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, đường lối, chính sách nhằm chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, chuyển dịch năng lượng, hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và phát triển bền vững.
Tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ban hành kèm theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã khẳng định “khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.
Nghị quyết 55/NQ-TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã xác định “Thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững”.
Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Vũ Lê) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang cho biết: Trong bối cảnh kể từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch nhập khẩu; việc đầu tư phát triển các dự án nguồn và lưới điện đỏi hỏi nguồn lực rất lớn của xã hội; và các nguồn năng lượng tái tạo có giá thành còn cao cũng như bị giới hạn về tỉ trọng công suất trong hệ thống điện do các rào cản kỹ thuật trong việc vận hành ổn định hệ thống.
"Vì vậy, việc sử dụng điện, năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện, bảo vệ nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu."- Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững nhấn mạnh.
Là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện sản xuất xanh, phát triển bền vững, thời gian qua thành phố Đà Nẵng đã phát triển theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, mang tầm quốc tế. Đặc biệt, Nghị quyết số 136 của Quốc hội khóa XV thông qua vào ngày 26/6/2024 đã mở ra những cơ hội lớn cho thành phố, hướng tới các mục tiêu chiến lược về đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, truyền thông và quản lý khoa học công nghệ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Văn Trừ- Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết: Trong hành trình phát triển kinh tế xã hội, chúng tôi luôn xem việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cùng với sản xuất và tiêu dùng bền vững là những yếu tố then chốt. Thành phố đã ban hành và thực hiện Kế hoạch Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030, cùng với Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Các nhiệm vụ này đã được lồng ghép vào quy hoạch và các dự án phát triển của thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Trừ - Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng (Ảnh: Vũ Lê) |
"Chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và hỗ trợ kịp thời từ Bộ Công Thương, cũng như sự phối hợp chặt chẽ với Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững. Điều này giúp thành phố thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của các giải pháp tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo và sản xuất xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm phát thải khí nhà kính"- ông Trừ nhấn mạnh.
Lãnh đạo Sở Công Thương Đà Nẵng khẳng định: Sự kiện là cơ hội quý báu giúp các nhà quản lý, chuyên gia đến doanh nghiệp và các tổ chức - có thể cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong thời gian qua, cũng như tìm ra các giải pháp cho những thách thức sắp tới. Tôi tin rằng, những kết quả đạt được từ Hội nghị sẽ góp phần hỗ trợ các địa phương triển khai thành công hơn nữa Chương trình quốc gia, qua đó đóng góp thiết thực vào cam kết của Chính phủ Việt Nam về mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Ngày 13/3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 với mục tiêu tiết kiệm được từ 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn đến năm 2025 và đạt từ 8-10% trong cả giai đoạn từ 2019 đến năm 2030, tương đương khoảng 60 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Chương trình đề ra các giải pháp toàn diện và đồng bộ trong việc: (i) Xây dựng, kiện toàn và thực thi mạnh mẽ các quy định pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (ii) Thiết lập các cơ chế ưu đãi, khuyến khích, các hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính để thúc đẩy việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trên tất cả các mặt của nền kinh tế và của toàn xã hội.
Ngày 08/6/ 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Chỉ thị đề ra mục tiêu tiết kiệm mỗi năm 2% điện năng tiêu thụ cũng như xác định các giải pháp mà các Bộ, ngành, địa phương và các đối tượng sử dụng điện phải thực hiện để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra.
Toàn cảnh lễ khai mạc (Ảnh: Vũ Lê) |
Bên cạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bộ Công Thương đã và đang triển khai mạnh mẽ Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình tiếp cận theo vòng đời sản phẩm từ khâu khai thác, thiết kế, chế biến, sản xuất, tiêu dùng, thu hồi, tái chế, tái sử dụng và thải ra môi trường và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đây là Chương trình tiếp cận theo hướng toàn diện và theo xu hướng thế giới nhằm bảo tồn và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liêu.
"Chương trình không chỉ khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân áp dụng khoa học, công nghệ và thay đổi phương thức quản lý nhằm hướng đến sản xuất xuất bền vững mà còn định hướng và thay đổi hành vi tiêu dùng hướng đến tiêu dùng bền vững tại Việt Nam, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu đã đặt ra của Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững."- bà Nguyễn Thị Lâm Giang cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang, các Chương trình, chỉ thị, nghị quyết nêu trên thể hiện tầm nhìn chiến lược và chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về vài trò quan trọng mang tính chiến lược việc của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thúc đẩy các mô hình chuyển đổi xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững trong việc phát triển bền vững nền kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến năm 2024, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm năm 2024 và đẩy mạnh các hoạt động thuộc Chương trình năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, Hội nghị cũng là nơi để các đơn vị chia sẻ kinh nghiệm, những vướng mắc, khó khăn cũng như những thuận lợi để cùng nhau hướng đến một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường.
Trong khuôn khổ Hội nghị, triển lãm sản phẩm, công nghệ hỗ trợ tiết kiệm năng lượng đã được Sở Công Thương Đà nẵng phối hợp tổ chức (Ảnh: Thu Hường) |
Cùng với việc tổ chức Hội nghị quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024, Hội nghị quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2024, trong khuôn khổ của chương trình, Bộ Công Thương đã phát động cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng.
Thông qua các hoạt động này, Bộ Công Thương mong rằng tất cả các đơn vị sẽ nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và têu dùng bền vững, cùng nhau thúc đẩy, triển khai mạnh mẽ các hoạt động này từ trung ương đến địa phương.
Tại hội nghị, đại diện các cơ quan quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp, đã trình bày các tham luận theo các chủ đề liên quan, qua đó cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận, đưa ra các định hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu của Chương trình trong năm 2025 và những năm tiếp theo.