Khoáng sản là 'miếng mồi ngon', những người biết cách sẽ khai thác triệt để
Sáng 4/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp |
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp cho biết, Luật Địa chất và khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập về quản lý nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
Theo đại biểu, khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều nơi cần nghiên cứu thấu đáo vì khoáng sản là “miếng mồi ngon”, những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hậu quả miễn là có lợi cho họ. Nhiều khoáng sản quý giá có trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này cùng với vật liệu thông thường để tiêu thụ và không bị phát hiện.
Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi, vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Mặt khác, việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế xin - cho, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước.
Việc kê khai khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể, các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo cơ chế xin - cho, cũng làm thất thu ngân sách nhà nước.
Đại biểu lo ngại tại những địa phương vùng cao, có nhiều khoáng sản đi kèm như đất, đá, xỉ than lẫn lộn với khoáng sản quý vẫn chưa được sử dụng khai thác, bị thải bỏ gây ra lãng phí, có nơi chất thành đống cao, nguy cơ sạt lở, ô nhiễm môi trường đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người dân, trong khi đó đất đá để xây lắp cho các công trình không đủ để sử dụng.
Riêng ở đồng bằng, việc khai thác cát sỏi, vật liệu xây dựng thông thường bất cập vì cát sỏi được hình thành theo quy luật tự nhiên của dòng sông, phụ thuộc lưu lượng dòng chảy địa hình tích tụ bồi lắng. Cho nên việc quy hoạch, đánh giá trữ lượng khó khăn, độ chính xác không cao, cát tặc thường xuyên khai thác ở những nơi giáp ranh, địa bàn phức tạp ở các địa phương để dễ lẩn trốn.
Hiện nay, hạ tầng giao thông đang phát triển, đặc biệt là đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua và đang từng bước triển khai thực hiện một số địa phương, áp lực sử dụng cát sỏi thông thường để san lấp, khả năng thiếu vật liệu là rất lớn, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án công trình.
Nhưng lại có nghịch lý là khối lượng đất đá thải ra từ các mỏ lại chưa sử dụng do chưa nghiên cứu để sử dụng cho công trình, nếu có thì chỉ sử dụng cho công trình tại chỗ, chưa được cấp phép chuyển sang các công trình khác vì lo ngại tiêu cực.
Tại miền Trung cũng có bất cập khi các mỏ vật liệu được quy hoạch thì phần lớn do tư nhân quản lý, đơn vị thi công phải thoả thuận để mua, rất khó khăn về giá cả. Riêng ở đồng bằng sông Cửu Long theo dự báo khan hiếm vật liệu san lấp đã xảy ra không những cho các đường cao tốc mà cả tỉnh huyện xã, chưa kể san lấp các công trình dân dụng, người dân có tiền chưa chắc đã mua được vật liệu để sử dụng mặc dù giá cả rất đắt đỏ.
Trong khi đó tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện đốt than thải ra hàng năm là rất lớn nhưng vẫn chưa được sử dụng thay thế vật liệu xây lấp vì chưa được nghiên cứu kỹ càng và hướng dẫn thực hiện, có sử dụng cũng không đáng kể, nhiều nơi vẫn chôn lấp bỏ thành đống rất lãng phí và có thể ảnh hưởng tới môi trường về mặt lâu dài.
Đối với cát biển đã được sử dụng thực hiện thí điểm và tín hiệu mừng để thay thế cát sông, cát hiếm xây lấp lòng đường nhưng liệu cát biển có an toàn vệ sinh môi trường hay không? và có giải pháp hạ âm từ 60-100cm kết hợp với việc dùng vật liệu địa chất bao bọc lại để không cho nước biển lẫn lộn, cát thoát ra ngoài ảnh hưởng tới môi trường.
Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có giải pháp cần thiết để sử dụng đất đá thải ra từ các mỏ khoáng sản, xỉ than, từ các nhà máy nhiệt điện, nhà máy điện để sử dụng thay thế cho các sông làm vật liệu thông thường. Cát biển cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, có đánh giá tác động để khi sử dụng không ảnh hưởng đến môi trường.