Thứ bảy 09/11/2024 00:36

Khi mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần ứng phó như thế nào?

Đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch. Trên thế giới đã có nhiều trường hợp tử vong. Biện pháp ứng phó khi mắc bệnh đậu mùa khỉ là gì?

PGS.TS Phạm Quang Thái – Phó Trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW – cho biết: Triệu chứng rõ nhất của bệnh đậu mùa khỉ là sốt và phát ban.

Triệu chứng rõ nhất của bệnh đậu mùa khỉ là sốt và phát ban

Dấu hiệu sốt có ở hầu hết các trường hợp kèm theo đau đầu dữ dội, nổi hạch, đau lưng-cơ, mệt mỏi, suy nhược. Giai đoạn phát ban có thể qua các thể bệnh khác nhau từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), và đóng vảy khô và bong ra. Số lượng: một vài đến vài nghìn. Các tổn thương có thể liên kết với nhau cho đến khi các mảng da lớn bong ra. Có những thể nhẹ (một vài nốt) nhưng cũng có nhiều trường hợp khác nặng hơn, khi mụn mủ nhiều lên tới mức trên 250 nốt tổn thương và không thể tự làm các hoạt động bình thường được là đã sang tình trạng nặng. Khi đó người bệnh phải điều trị tích cực trong bệnh viện.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Khi bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời.

Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trong trường hợp nơi ở hoặc nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus đậu mùa khỉ. Khi quay trở về Việt Nam, cần chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn.

Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Theo đó, thời gian ủ bệnh từ 6 - 13 ngày (dao động từ 5 - 21 ngày). Giai đoạn khởi phát từ 1 - 5 ngày, với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này.

Giai đoạn toàn phát thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày, với tính chất: Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục.

Tiến triển ban: Tuần tự từ dát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và có thể để lại sẹo.

Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn.

Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Bệnh được chia thành 3 thể: Thể không triệu chứng (người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kể triệu chứng lâm sàng nào); thể nhẹ (triệu chứng thường hết sau 2 - 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào); thể nặng, thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch..., có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh.

Cách điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng. Với thể nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau; chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải; cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: Viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức; phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

Thể nặng, cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo phác đồ đã ban hành.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý; sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch...) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam.

Thuốc điều trị đặc hiệu được chỉ định những trường hợp như: Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não...); người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao...); trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi; phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú; người đang có bệnh cấp tính tiến triển.

Thanh Tâm
Bài viết cùng chủ đề: Đậu mùa khỉ

Tin cùng chuyên mục

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia

Nâng cao nhận thức cộng đồng, đẩy lùi ‘gánh nặng’ viêm màng não

Bộ Y tế giải trình việc thiếu vaccine tiêm chủng mở rộng

Bộ Y tế bác thông tin 'sử dụng muối i-ốt gây bệnh cường giáp'

Nhiều nước đã cấm thuốc lá điện tử: Chuyên gia khuyến nghị gì cho Việt Nam?

TP. Hồ Chí Minh: Phòng khám Mary và hàng loạt cơ sở bị tước giấy phép khám chữa bệnh

Kẻ đi chơi xa, người ở nhà thanh lọc cơ thể chuẩn bị vào mùa bận rộn cuối năm

Bộ Y tế công bố 78 dược chất, thuốc chứa dược chất bị cấm sử dụng

Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm giảm cân TIGI MAX PLUS chứa chất cấm

Trà sữa và mối liên quan tới bệnh tiểu đường, tim mạch

Bé gái Làng Nủ hồi sinh kỳ diệu sau thảm họa lũ quét

Hút thuốc lá khi lái xe: Nguy hiểm rình rập trên từng cây số

TP. Hồ Chí Minh: Thẩm mỹ viện E-star, IDE, MT Korea và loạt cơ sở bị đình chỉ hoạt động

Bộ Y tế bổ nhiệm nhân sự điều hành Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa

30.000 người Việt tử vong mỗi năm do tai nạn thương tích

Bộ Y tế liên tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc

Phát triển hệ thống kiểm nghiệm, giảm thiểu sự cố về an toàn thực phẩm

Đa dạng hình thức phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học

Bệnh hiểm nghèo được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm chi tiền túi cho người dân

Xua tan căng thẳng và những cách giúp tân sinh viên bước qua 1001 cú sốc đầu đời