Khí hậu ngày càng cực đoan, giải pháp nào để bảo vệ nông dân trong trồng trọt?
Là quốc gia ven biển, mỗi năm Việt Nam hứng chịu khoảng 4 đến 6 cơn bão nhiệt đới lớn trong mùa mưa, ảnh hưởng nặng nề đến ngành nông nghiệp. Điều này khiến người nông dân Việt Nam ngày càng đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ. Một trong số đó là biến đổi khí hậu, đã và đang khiến Việt Nam chịu nhiều mưa bão hơn trước đây, dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như lũ lụt và lở đất. Cụ thể, năm 2017 bão Damrey đã gây thiệt hại kinh tế trên 22 nghìn tỷ đồng, nhất là trong các ngành lâm nghiệp, nông nghiệp và thuỷ hải sản. Tuy nhiên, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc, tỉ lệ nông dân tham bảo hiểm sản xuất rất thấp, chỉ khoảng 5%.
Nhằm hỗ trợ người dân có thể nhanh chóng tái tạo lại đàn gia súc gia cầm, trồng trọt lại mùa màng, phục hồi sinh kế sau bão, chiều ngày 7/3, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty Công nghệ bảo hiểm Hillridge (Úc) và Bảo Minh đã ký kết thoả thuận hợp tác và ra mắt sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số bão hướng đến khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đại diện bảo hiểm Bảo Minh ký hợp đồng với hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận |
Ông Dale Schilling, Tổng giám đốc Hillridge, cho biết, khác với hình thức bảo hiểm truyền thống - xác định giá trị bồi thường dựa trên đánh giá thiệt hại, có quy trình phức tạp và thời gian chi trả lâu, Bảo hiểm Chỉ số bão thường có thời gian xử lý trong vòng 10 ngày. Khoản bồi thường được tính toán dựa trên dữ liệu vệ tinh đo lường cấp bão và khoảng cách từ cơn bão đến tài sản được bảo hiểm.
Hệ thống phân tích hiện đại của Hillridge sẽ xử lý các yêu cầu bồi thường dựa trên sức gió và khoảng cách (trong phạm vi 100 km) từ tâm bão đến tài sản được bảo hiểm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Bảo Minh, với việc chi trả tiền bảo hiểm nhanh, nông dân có thể nhanh chóng tái tạo lại đàn gia súc gia cầm, trồng trọt lại mùa màng, phục hồi sinh kế sau bão.
Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số bão phục vụ nông dân trong các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản với các loại cây trồng như: Trái cây, mía đường, cao su tại các tỉnh miền Trung thường xuyên hứng chịu các cơn bão.
"Những ngành nghề này không chỉ mang tính sống còn với nông dân và gia đình, mà còn góp phần vào xuất khẩu nông-lâm-thủy sản, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia", ông Ngọc Anh đánh giá.
Cũng tại sự kiện trên, Bảo Minh đã ký hợp đồng với khách hàng đầu tiên mua sản phẩm Bảo hiểm Chỉ số bão là Hợp tác xã nông nghiệp Hiệp Thuận (Quảng Nam) đối với hơn 150 ha rừng keo. Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) là đơn vị hỗ trợ thực hiện gói bảo hiểm năm đầu tiên, kèm theo đó là hỗ trợ kỹ thuật cho hợp tác xã.