Theo nghệ nhân Lò Thị Tóm (Sơn La, hiện đang làm việc tại Làng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam), để hoàn thành khăn Piêu truyền thống các cô gái Thái phải mất hàng tháng để dệt vải và thêu thùa. Từng mũi thêu trên khăn Piêu dựa trên sở thích và mong muốn của từng cô gái nên không chiếc khăn nào giống chiếc khăn nào. Các cô gái tự tìm kiếm cho riêng mình những màu sắc và đường nét thích hợp nhất để hoàn thành tác phẩm của mình.
|
Phụ nữ Thái rất tự hào khi mang trên mình chiếc khăn Piêu |
Khăn Piêu của người Thái không phải trang trí ở toàn bộ diện tích của khăn mà được tập trung trang trí ở hai đầu. Trước khi thêu trang trí ở hai đầu khăn, phụ nữ Thái ghép mảnh vải đỏ làm viền. Các viền đỏ bọc cho sợi ở các đầu khăn khỏi bị xổ ra, vừa như là giới hạn diện tích trang trí ở đầu khăn. Đường viền vải đỏ bọc ở ba mép đầu khăn rộng khoảng 1 cm. Phụ nữ Thái dùng lối thêu luồn rất khéo léo để hạn chế tới mức tối đa đường chỉ lộ ra ngoài để cho đường viền màu đỏ và nền chàm của khăn liền làm một.
|
Khăn Piêu thước đo tài năng và phẩm hạnh phụ nữ Thái |
|
Khăn Piêu được phụ nữ Thái dệt từ bông vải |
|
Từng mũi thêu trên khăn Piêu dựa trên sở thích và mong muốn của từng cô gái |
Trong quá trình thêu, họ có thể sáng tạo theo ý muốn chủ quan của mình. Nét đặc biệt là phụ nữ Thái không thêu khăn Piêu ở mặt phải mà lại thêu từ mặt trái, các hoa văn và màu sắc phức tạp lại hiện lên ở mặt phải, đó là lối thêu truyền thống với trí tưởng tượng của kỹ thuật và mỹ thuật dân gian tài tình. Các loại đường thêu đều do phụ nữ Thái tự sáng tạo, có nhiều kiểu, móc xích, chân rết, xương cá…
|
Khăn Piêu là điểm nhấn để tôn lên vẻ đẹp riêng của người con gái Thái |
|
Khăn Piêu còn là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái lúc đi chơi hay lễ hội |
Việc học dệt và học thêu khăn Piêu luôn là bài học vỡ lòng đối với mọi cô gái trong nếp sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Thái. Từ khi còn bé đến lúc trưởng thành người con gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn. Việc học thêu khăn Piêu đối với các cô gái Thái là một quá trình nhận thức và rèn luyện đôi bàn tay khéo léo của mình để chuẩn bị bước vào đời.
|
Con gái Thái được người mẹ dạy cho cách thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn Piêu |
|
Khăn Piêu rộng khoảng 40 phân, dài khoảng một sải tay và được thêu 2 đầu khăn |
|
Các họa tiết thêu trên khăn Piêu sẽ đánh giá sự khéo léo hay vụng về của người con gái Thái |
Đến năm 15, 16 tuổi thì việc thêu thùa, may vá, dệt vải làm khăn đã được thành thạo và các cô gái phải tự tay làm khăn Piêu để chuẩn bị đi lấy chồng, khăn Piêu là món quà không thiếu để cô dâu tặng gia đình nhà chồng khi về làm dâu. Bởi vậy Piêu còn là một tiêu chuẩn xã hội để đánh giá sự khéo léo và phẩm hạnh của người phụ nữ Thái.
|
Khi đội một đầu khăn phủ lên đỉnh đầu rồi trải trùm xuống trán |
|
Trang phục truyền thống phụ nữ Thái với chiếc áo cóm, váy đen, khăn Piêu, thắt lưng, xà cạp |
Người Thái rất tự hào khi đội lên đầu chiếc khăn Piêu do tự tay mình thêu dệt. Từ bé gái ở tuổi đến trường cho đến các cụ già đều có thể đội khăn Piêu. Khăn Piêu là vật trang sức quan trọng của các cô gái Thái trong cuộc sống hàng ngày, nhất là trong lúc đi chơi hay lễ hội.
|
Khăn Piêu là vật không thể thiếu, được dùng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày |
Mỗi dịp lễ hội được diễn ra, các chàng trai thường tìm cách tỏ tình với các cô gái thông qua việc cướp khăn Piêu, khi cô gái không phản ứng khi chàng trai cướp khăn Piêu thì chứng tỏ cô gái đã đồng ý với chàng trai. Còn nếu cô gái không đồng ý chàng trai thì sẽ phản ứng lại gay gắt để lấy lại chiếc khăn của mình. Ngoài ra, nếu cô gái thích chàng trai nào thì cô gái sẽ tìm cách để chiếc khăn Piêu của mình ở gần chỗ chàng trai hoặc cố tình đánh rơi thậm chí còn tung khăn Piêu về phía chàng trai đó. Nếu chàng trai nhặt khăn thì chứng tỏ mong muốn của cô gái đã được hoàn thành. Chiếc khăn khi ấy trở thành cái cớ để họ hẹn ước, rồi yêu nhau.
|
Khăn Piêu là vật làm tin của đôi trai gái |
|
Khăn Piêu còn được dùng để biểu diễn nghệ thuật |
Xã hội ngày một phát triển, với nhiều trang phục hiện đại, đa dạng, tiện dụng làm ảnh hưởng không ít đến việc bảo tồn và lưu giữ trang phục truyền thống của đồng bào Thái. Nhưng khăn Piêu vẫn là vật không thể thiếu trong đời sống là đặc trưng văn hóa chứa đựng những giá trị tinh thần, vật chất được đúc kết, trao truyền qua cho mai sau.