Khám phá phương pháp tác chiến của Su-57 trong xung đột với Ukraine
Theo thông tin tình báo mới nhất của Bộ Quốc phòng Anh về động thái của Nga trên chiến trường Ukraine, “siêu máy bay” Su-57 của Nga đã tham gia vào cuộc chiến với Ukraine.
The Drive của Mỹ cho rằng, mặc dù Bộ Quốc phòng Anh không cung cấp những căn cứ của nguồn tin tình báo, nhưng họ xác nhận rằng Su-57 đã được đưa vào thực chiến ít nhất là từ tháng 6/2022.
“Siêu chiến đấu cơ” Su-57 của Nga. |
Đánh giá của Bộ Quốc phòng Anh nêu rõ, nhiệm vụ do Su-57 thực hiện có thể chỉ giới hạn ở việc bay qua lãnh thổ Nga và phóng tên lửa không đối đất hoặc không đối đất tầm xa về phía Ukraine. Điều này sẽ giúp giải thích tại sao không có xác nhận nào về hoạt động của Su-57 ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Anh cũng công bố một bức ảnh vệ tinh chụp ngày 25/12/2022 trên Twitter cho thấy, ít nhất 5 máy bay chiến đấu Su-57 được triển khai tại Căn cứ không quân Akhtubinsk ở miền nam nước Nga. Theo báo cáo, căn cứ này được biết đến là căn cứ duy nhất của Su-57, cũng là nơi đóng quân của Trung tâm Thử nghiệm bay Quốc gia số 929 Chkalov, cơ sở chuyên kiểm tra những khí tài mới nhất cho không quân Nga trước khi chúng được chứng nhận đáp ứng yêu cầu chiến đấu và đưa vào biên chế
Điều đó có nghĩa là những máy bay chiến đấu Su-57 này hoàn toàn có thể tham gia vào các hoạt động quân sự ở Ukraine như một loại kiểm tra thực chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cuối tháng 8/2022 cũng xác nhận, tiêm kích Su-57 đã thể hiện khả năng tự vệ cao trước nhiều hệ thống phòng không và tên lửa đối phương khi tham chiến tại Ukraine. “Điều quan trọng nhất là Su-57 có các vũ khí rất mạnh. Chúng tôi đã thử nghiệm những vũ khí đó, tất cả đều hoạt động một cách tuyệt vời, không còn lời nào khác để mô tả”, ông Shoigu nói.
5 máy bay chiến đấu Su-57 được triển khai tại Căn cứ không quân Akhtubinsk |
Theo thông tin của Bộ Quốc phòng Anh, sở dĩ Su-57 áp dụng mô hình tác chiến tầm xa là do phạm vi hoạt động hiệu quả của các loại vũ khí biên chế trên Su-57 và cảm biến mà chúng mang theo là khá xa, hoàn toàn có thể tác chiến từ lãnh thổ Nga mà không phải mạo hiểm bay vào không phận Ukraine hay sử dụng chức năng tàng hình để xâm nhập.
The Drive cho biết, Su-57 được trang bị tên lửa không đối không tầm siêu xa R-37M với tầm bắn lên tới 200 km, loại tên lửa này đã xuất hiện trên bầu trời Ukraine vào mùa hè năm ngoái.
Ngoài ra, tên lửa không đối không K-77M được phát triển riêng cho Su-57 có tầm bắn 160 km, cũng cho phép Su-57 thực hiện các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu trên không ở Ukraine từ không phận Nga. Một công dụng khác của Su-57 trong cuộc xung đột Nga-Ukraine là sử dụng thiết bị cảm biến tiên tiến và liên kết dữ liệu liên lạc để hoạt động như một máy bay chỉ huy và tình báo điện tử, cung cấp thông tin tình báo theo thời gian thực cho các máy bay khác.
Các phi công MiG-29 của Không quân Ukraine trước đó đã mô tả rằng, Quân đội Nga thường chỉ điều động từ 2 đến 4 máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35 để đối phó với Không quân Ukraine, nhưng có hơn 12 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ bảo vệ ở phía sau.
Tuy nhiên, The Drive cho rằng, mô hình tác chiến tầm xa của Su-57 tuy giúp giảm thiểu rủi ro nhưng cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả chiến đấu, đồng thời làm dấy lên nghi ngờ về hiệu suất thực tế của loại tiêm kích tàng hình này, ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của loại máy bay này.