Thứ ba 19/11/2024 15:42

Khai thác hiệu quả không gian phố đi bộ Hồ Gươm

Phố đi bộ Hồ Gươm đã trở thành điểm nhấn riêng có của Hà Nội, thu hút người dân, du khách trong nước và quốc tế. Qua đó, phát huy hiệu quả các giá trị di sản.

Điểm nhấn riêng có của Hà Nội

Phố đi bộ là mô hình rất phổ biến tại các thành phố lớn trên thế giới, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân và xu hướng văn minh cũng như hài hòa giữa yếu tố “hành chính, thương mại” với “văn hóa, cộng đồng”.

Hà Nội cần tiếp tục có giải pháp để phát huy giá trị kinh tế - xã hội của phố đi bộ

Tại Hà Nội, không gian đi bộ Hồ Gươm hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2016; ngày 31/12/2020, UBND quận Hoàn Kiếm tiếp tục triển khai mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực Hồ Gươm, tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân và du khách đến tham quan và mua sắm, trải nghiệm ẩm thực. Phố đi bộ trở thành điểm đến văn hóa, đồng thời góp phần rất lớn vào sự phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ của quận, di tích quốc gia khu vực phố cổ Hà Nội. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày cuối tuần có khoảng 20 nghìn lượt khách đến với không gian phố đi bộ, góp phần đưa lượng khách du lịch quốc tế có lưu trú tại quận Hoàn Kiếm tăng mạnh.

Tại hội nghị triển khai Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội về “Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực Hồ Gươm và phụ cận” mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã nhấn mạnh, việc tổ chức và hoạt động của tuyến phố đi bộ gắn với không gian đi bộ ngày càng hoàn thiện, trở thành thương hiệu, một điểm đến, điểm nhấn riêng có của Thủ đô Hà Nội. Không gian đi bộ cũng đã tạo ra điểm vui chơi, thư giãn hấp dẫn cho cộng đồng dân cư, du khách trong và ngoài nước. “Đây cũng là nơi hội nhập, giao lưu văn hóa các vùng miền trong nước và văn hóa các nước trên thế giới; góp phần phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ; thúc đẩy phát triển kinh tế quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc”- ông Dương Đức Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù quận Hoàn Kiếm cơ bản đã làm tốt việc thu hút người dân đến phố đi bộ, nhưng đây mới đơn thuần là không gian sinh hoạt cộng đồng chứ chưa khai thác hết tiềm năng về kinh tế, du lịch, văn hóa. Một số hoạt động như cho thuê xe điện trẻ em, bán hàng rong... đem lại rất ít nguồn thu cho địa phương, nhưng còn nhiều hoạt động khác hầu hết tự phát, chưa tương xứng với phối cảnh, đặc trưng văn hóa của Hồ Gươm.

Phố đi bộ Hồ Gươm là điểm đến hấp dẫn người dân và du khách

Thừa nhận thực tế này, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn cũng đã chỉ ra, hoạt động của không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, cũng như hoạt động kinh doanh thương mại, hoạt động văn hóa, nghệ thuật...

Thúc đẩy hoàn thiện mô hình

Để khai thác và phát huy các giá trị của phố đi bộ, theo các chuyên gia, mô hình phố đi bộ Hà Nội cần hướng tới là tuyến đường mang đậm bản sắc đô thị, có vị trí đắc địa về thương mại, kinh doanh. Ông Trần Ngọc Chính gợi ý, như phố Tràng Tiền - tuyến có ý nghĩa quan trọng nối hai địa điểm lịch sử của Hà Nội là Hồ Gươm với Nhà hát Lớn cần cải tạo toàn bộ tuyến theo không gian đóng, tức là chỉ cho phép đi bộ, phương tiện sẽ được điều tiết sang hướng khác. Xung quanh phố này bố trí nhiều bãi đỗ xe, ga ngầm, trạm buýt để phục vụ người dân từ các nơi đổ về. Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng, các mô hình phố đi bộ muốn hiệu quả phải thể hiện được nét đặc trưng về văn hóa, điểm nhấn về không gian. Điển hình như phố đi bộ Hồ Gươm thì cần khai thác triệt để nét đẹp kiến trúc cổ trung tâm thành phố, sự gần gũi thanh lịch của người dân…

Trước những hạn chế bất cập của phố đi bộ Hồ Gươm, ông Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ tập trung chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại. Trong đó, sẽ đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại không gian đi bộ; sẽ tập trung chấn chỉnh, khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế phát sinh; đồng thời, tiếp tục phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa lịch sử của khu phố cổ Hà Nội, khu vực Hồ Gươm và phụ cận nhằm kích cầu phát triển du lịch, qua đó góp phần cùng thành phố khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND các phường sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, xử lý các vi phạm trên địa bàn phường; xử phạt vi phạm hành chính đối với các điểm trông xe thu quá giá quy định và giải tỏa các điểm trông giữ xe trái phép; kiểm soát không để hàng rong vào không gian đi bộ. Ngoài ra, đối với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, sẽ duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại 12 điểm trong các không gian đi bộ trên địa bàn; quản lý và tổ chức tốt các hoạt động nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống như: Nặn tò he, trò chơi dân gian, viết thư pháp, vẽ truyền thần...

Để không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ngày càng hoàn thiện, là hình mẫu về tổ chức, văn hóa, và hiệu quả kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn đã yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm, các sở, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 21/2022/QĐ-UBND; phối hợp khắc phục các nội dung kiến nghị của quận Hoàn Kiếm. Đồng thời, đề nghị, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục phối hợp tuyên truyền nhằm hỗ trợ thành phố, quận Hoàn Kiếm quảng bá hình ảnh không gian đi bộ Hoàn Kiếm ra cả nước và thế giới.

Từ thành công của mô hình không gian phố đi bộ Hồ Gươm, Hà Nội đã mở thêm nhiều phố đi bộ khác trên địa bàn, tuy vậy, ý kiến từ các chuyên gia quy hoạch đó là cần tránh dàn trải, tránh “quận nào, huyện nào cũng đòi làm phố đi bộ”; nếu thực hiện vội vàng, không có sự chuẩn bị, đầu tư bài bản sẽ không đem lại lợi ích thực sự cho cộng đồng.
Hoa Quỳnh

Tin cùng chuyên mục

6 nhiệm vụ chính tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình năm 2024

Hoà Bình: Nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Công ty Kinh doanh điện Thanh Hóa nói gì về việc điện yếu tại xã Hà Sơn?

Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình ủng hộ 4,3 tỷ đồng hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thanh Hóa chung tay xây dựng nhà ‘Đại đoàn kết’ cho hộ nghèo

Quảng Ninh nỗ lực tăng thu ngân sách nội địa, tạo nguồn lực cho phát triển

Quảng Ninh: Liên kết hợp tác xã, thúc đẩy kinh tế tập thể

PC Bạc Liêu: Nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành điện lực

Hà Giang: Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Tân Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An là ai?

Bà Rịa - Vũng Tàu: Cơ chế ‘cảng mở’ giúp Cái Mép – Thị Vải có thêm trợ lực phát triển

Tỉnh Quảng Ninh công bố loạt gói kích cầu du lịch dịp cuối năm 2024

Thái Bình: Sắp diễn ra Hội chợ nông nghiệp quốc tế Đồng bằng Bắc Bộ 2024

Lào Cai công khai kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp

Vĩnh Phúc: Ưu tiên thu hút dự án công nghệ cao vào khu công nghiệp

TP. Hạ Long: Phát triển và đổi mới giáo dục trong thời đại kỷ nguyên số

Nam Định phân hạng và công nhận lại 24 sản phẩm OCOP cấp tỉnh

Quảng Ninh: Thu hút đầu tư thông minh, hướng tới phát triển kinh tế xanh

Bộ chỉ số DDCI năm 2024 của TP. Hồ Chí Minh có gì mới?

Bạc Liêu: Hướng tới mô hình nông nghiệp xanh, hiệu quả và bền vững