Đà Lạt - điểm du lịch kỳ thú của Tây Nguyên
CôngThương - Tăng trưởng chưa đạt
Theo thống kê, khách du lịch đến Lâm Đồng 6 tháng đầu năm đạt 2,3 triệu lượt, tăng gần 8% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó, khách quốc tế 130 ngàn, khách nội địa là 2.169 ngàn. Đánh giá của Ban chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia cho thấy, kết quả này chưa đạt chỉ tiêu đề ra, đặc biệt là du khách quốc tế, chưa tương xứng với quy mô của chương trình Năm Du lịch quốc gia cũng như tiềm năng của Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên.
Nguyên nhân được cho là do đơn vị chủ trì thiếu chủ động trong việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, nên chưa kịp thời cung cấp thông tin quảng bá để thu hút khách đến địa phương. Ngoài Đà Lạt, một số địa phương như Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, địa bàn các tỉnh khu vực Tây Nguyên cách xa nhau, cộng với thiếu kinh nghiệm, nguồn lực, cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ yếu kém không đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch. Hơn nữa, sự phối hợp, gắn kết giữa các tỉnh còn nhiều hạn chế. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Tuấn- Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tăng trưởng chưa đạt còn do đang trong giai đoạn thấp điểm du khách quốc tế. Tuy vậy, “Chúng tôi hy vọng, với tiềm năng du lịch phong phú, các sản phẩm đặc sắc và một chiến dịch tập trung quảng bá, xúc tiến thì số lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng như Tây Nguyên sẽ được phục hồi, tăng trưởng mạnh”- ông Tuấn lạc quan.
Ông Hoàng Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL,Trưởng Ban chỉ đạo Năm Du lịch quốc gia: Các địa phương cần tăng cường quảng bá cho du lịch Tây Nguyên và Đà Lạt; tích cực phối hợp liên kết tour, tuyến, chủ động kết nối với các thị trường du lịch lớn trong nước để thu hút khách nội địa; huy động nhiều nguồn vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ khu vực Tây Nguyên. |
Địa phương chủ động- Yếu tố cốt lõi
Mặc dù thị trường khách của Tây Nguyên, Đà Lạt là nội địa, tuy nhiên tiềm năng, cơ hội thu hút du khách quốc tế lại không hề ít. Theo ông Tuấn, Đà Lạt là điểm đến nổi bật nhất, đặc biệt có khả năng “hút” khách các nước Đông Nam Á cho Tây Nguyên. Bởi Đà Lạt có sức hấp dẫn riêng về cơ sở vật chất, cảnh quan, khí hậu, sản phẩm du lịch, văn hóa, khoảng cách di chuyển ngắn… rất phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp. Bên cạnh khách Đông Nam Á, khách Nga cũng đang là đối tượng để du lịch Tây Nguyên hướng đến. Để làm được, nhiều nhiệm vụ đang đặt ra cho các nhà quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, đó là làm sao để xây dựng chương trình, sản phẩm tour hợp lý, mang lại trải nghiệm đa dạng, khác biệt và ấn tượng cho khách du lịch. “Rõ ràng Tây Nguyên đang có lợi thế để khai thác, mở rộng thị trường. Vì vậy cần bắt tay đầu tư, nghiên cứu sản phẩm, đặc tính của thị trường để hoàn thiện, chuẩn bị dịch vụ, nghiên cứu quảng bá, xúc tiến phù hợp”- ông Tuấn nhấn mạnh.
Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, để thực hiện mục tiêu của Năm Du lịch quốc gia, theo ông Tuấn: Thứ nhất cần sự chủ động các địa phương đăng cai, điều này có ý nghĩa quyết định; thứ hai, phải đẩy mạnh liên kết hơn nữa, huy động sự tham gia của toàn xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp nhằm tạo ra hoạt động đa dạng, phong phú, hấp dẫn; cuối cùng là đẩy mạnh quảng bá, tạo cầu nối sản phẩm với thị trường, phát triển hạ tầng.