Khai mạc Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất tiêu dùng bền vững làng nghề truyền thống 2024
Diễn ra từ ngày 28/10 - 3/11 tại Hà Nội, "Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất - tiêu dùng bền vững cho cơ sở làng nghề truyền thống năm 2024; Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP" với sự tham gia của 133 gian hàng và khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khai mạc. Ảnh: Thu Hường |
Sự kiện do Sở Công Thương Hà Nội, UBND quận Nam Từ Liêm phối hợp với Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững - Bộ Công Thương tổ chức nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 263/KH-UBND ngày 6/11/2023 của UBND thành phố về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030 của Bộ Công Thương.
Chương trình với sự hiện diện của ông Đặng Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững; ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội; ông Phùng Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm; ông Nguyễn Duy Thái - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam; bà Phạm Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề thành phố Hà Nội, cùng đại diện các hội, hiệp hội thủ công mỹ nghệ, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh thuộc các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh khu vực phía Bắc tham gia trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong số 1.350 làng nghề và làng có nghề, đến nay thành phố có 305 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã.
Trong những năm qua, trung ương và thành phố Hà Nội đã hỗ trợ làng nghề phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ thông qua các chương trình khuyến công, sản xuất và tiêu dùng bền vững, xúc tiến thương mại, du lịch nhằm phát triển kinh tế, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu của các địa phương. Qua đó, nhiều sản phẩm của làng nghề đã từng bước đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai và một số nước châu Á, Đông Nam Á.
Ông Hoàng Minh Lâm - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội - phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: Thu Hường |
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Hoàng Minh Lâm - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội - nhấn mạnh: Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của cả nước, cũng là nơi tập trung nhiều nghề, làng nghề nhất cả nước với 1.350 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó nhiều làng nghề nổi tiếng trong và ngoài nước như gốm Bát Tràng, gốm Kim Lan, sơn mài Duyên Thái, mây tre đan Phú Vinh, gỗ Thiết Ứng, lụa Vạn Phúc...
Từ năm 2019 đến hết tháng 6/2024, thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó 745 sản phẩm của các làng nghề. Sản phẩm làng nghề Hà Nội đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu ra hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
"Những năm qua, với mong muốn xây dựng Thủ đô sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, thiết thực, phát triển bền vững; thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương cũng như các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng với các doanh nghiệp, người tiêu dùng như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững; sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tư vấn áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế... trong đó có các doanh nghiệp sản xuất tiểu thủ công nghiệp làng nghề"- ông Lâm cho biết.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – Bộ Công Thương. Ảnh: Thu Hường |
Phát biểu tại lễ khai mạc ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững cho hay: Thế giới đang có sự chuyển hướng trong tiêu thụ các sản phẩm theo hướng thân thiện môi trường. Các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sẽ phải tuân thủ các yêu cầu, quy định về tính bền vững trong tất cả các công đoạn từ thiết kế, chế tạo, sản xuất, tiêu dùng và thải bỏ. Chúng ta phải giảm tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường trong quá trình sản xuất. Các tiêu chuẩn về môi trường, đạo đức... được xây dựng thông qua hàng rào kỹ thuật của các quốc gia, như chính sách thuế phát thải (Mỹ), cơ chế CBAM của châu Âu... do đó các sản phẩm xuất khẩu phải đáp ứng được các thay đổi này.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Bộ Công Thương đã phối hợp với các Sở Công Thương, các trung tâm khuyến công... để triển khai chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, qua đó giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm phát thải thông qua sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện các giải pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu... trong quá trình sản xuất.
"Sự kiện này là cách để các cơ quan quản lý hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tại các làng nghề, làm sao sản phẩm của các làng nghề đáp ứng được yêu cầu của các thị trường xuất khẩu về phát triển bền vững"- ông Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh.
Chương trình được tổ chức giúp bảo tồn và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát huy và giữ gìn cho ngành nghề truyền thống phát triển bền vững và ổn định; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, sản phẩm OCOP: Thêu, gốm sứ, mây tre đan, lụa, áo dài, mộc, chế biến thực phẩm,... nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Đại diện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuât được lựa chọn lên sân khấu để nhận Chứng nhận tham gia chương trình. Ảnh: Thu Hường |
Tại Tuẫn lễ đã diễn ra các hoạt động trưng bày, quảng bá sản phẩm; trao giải cho các cơ sở đạt danh hiệu sản xuất, tiêu dùng bền vững; tổ chức lễ ký kết hợp tác chuỗi sản xuất - tiêu dùng xanh.
Chương trình “Tuần lễ kết nối chuỗi sản xuất - tiêu dùng bền vững cho cơ sở làng nghề truyền thống năm 2024; Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP” hứa hẹn mang đến cho các cơ sở sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng cái nhìn cụ thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, thể hiện sự đồng hành của Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô và cả nước thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Lễ ký kết hợp tác chuỗi sản xuất, tiêu dùng xanh giữa Hội Gốm sứ Kim Lan – xã Kim Lan, huyện Gia Lâm và Hội Làng nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống Thiết Úng – xã Vân Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Thu Hường |
Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng tiếp tục đăng ký tham gia Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng có trách nhiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên.