Khai mạc Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á năm 2024
Trong hai ngày 2 - 3/12, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 với chủ đề: Đô thị thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững.
Ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội |
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội - cho biết, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 không chỉ là một sự kiện quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024, mà còn là diễn đàn lớn để Hà Nội và các địa phương khác tại Việt Nam và quốc tế cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ giải pháp chuyển đổi số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, hướng đến một tương lai đô thị thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.
Với chủ đề xuyên suốt: “Thành phố thông minh - Kinh tế số - Phát triển bền vững”, hội nghị lần này không chỉ gắn với ba mục tiêu chiến lược mà còn phản ánh những trụ cột chính trong tầm nhìn chiến lược, “tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu“ trong phát triển của Thủ đô Hà Nội cũng như các địa phương trong khu vực.
Sự kiện hôm nay chính là cơ hội để các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu cùng nhau thảo luận, xây dựng những giải pháp đột phá trong các lĩnh vực như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, giao thông thông minh, năng lượng sạch và môi trường bền vững… "Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn được chia sẻ tại hội nghị sẽ là động lực quan trọng để Hà Nội và các địa phương trong khu vực nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững" - ông Hà Minh Hải nhấn mạnh.
Ông Hà Minh Hải nhắc lại, trong bài viết ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”.
Những tư tưởng chỉ đạo, định hướng chiến lược đó chính là "kim chỉ nam" để Hà Nội tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng “3 trụ cột 1 nền tảng”, là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số với nền tảng văn hoá và công dân số, an ninh an toàn trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA |
Hội nghị này cũng là minh chứng rõ ràng cho sự cam kết mạnh mẽ của chúng ta trong việc tạo lập một môi trường hợp tác đa cấp độ, kết nối toàn cầu, kết nối chặt chẽ doanh nghiệp, các trường, viện nghiên cứu, chuyên gia nhà khoa học, với chính quyền và các tổ chức quốc tế nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển xanh, thông minh, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch VINASA - cho hay, đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42,7%; tỷ lệ đô thị hóa ngang tầm của châu Á; kinh tế đô thị đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. "Bài toán" đặt ra là, làm thế nào để tìm kiếm những động lực phát triển mới trong biến động không ngừng của chính trị, kinh tế, công nghệ.
Kinh tế số, kinh tế xanh và công nghệ mới có thể là câu trả lời. Bởi kinh tế số thúc đẩy chuyển đổi số các ngành kinh tế truyền thống; kinh tế xanh tạo ra sự phát triển bền vững hướng tới môi trường và văn hóa; công nghệ mới là những ngành công nghiệp mà Việt Nam đang có được sức hấp dẫn lớn như bán dẫn, AI, Automotive.
Trong khuôn khổ Hội nghị, VINASA cũng tổ chức Giải thưởng Smart City vinh danh các đô thị và các doanh nghiệp đang nỗ lực phát triển xu hướng này. Giải thưởng năm nay ghi nhận bước tiến lớn của các đô thị tại Việt Nam với 48/63 tỉnh, thành phố đang triển khai đề án phát triển đô thị thông minh.
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á năm 2024 |
Bên cạnh đó, hơn 50 địa phương đã triển khai IOC cấp tỉnh và gần 200 IOC cấp huyện. Các đô thị đều đã hoàn thiện hạ tầng cơ bản như dữ liệu, truyền dẫn và giải pháp; hầu hết các đô thị xây dựng những ứng dụng thông minh để hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thành phố thông minh đã trở thành chiến lược phát triển đô thị toàn cầu, với trọng tâm là chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) để giải quyết các thách thức về quản lý đô thị, cải thiện tích cực điều kiện sống của dân cư, tăng mức độ hạnh phúc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Thành phố thông minh không chỉ là mô hình phát triển đô thị mà còn là chiến lược thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống. Tại châu Á, nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore đã xây dựng những đô thị thông minh kiểu mẫu, tập trung vào ứng dụng công nghệ AI, IoT, và năng lượng tái tạo để giải quyết các vấn đề đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Các sáng kiến như khu công nghệ cao ở Busan (Hàn Quốc) và dự án Smart Nation của Singapore là những minh chứng điển hình.
Các đại biểu tham quan không gian triển lãm giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng thành phố thông minh |
Tại Việt Nam, đô thị thông minh cũng đã và đang được lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành quan tâm sát sao. Ngày 1/8/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 950/QĐ-TTg: Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể đến 2030 sẽ “hình thành các chuỗi đô thị thông minh khu vực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, lấy TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ là hạt nhân, hình thành mạng lưới liên kết các đô thị thông minh.
Đến nay, 48/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai các đề án thành phố thông minh. Trong đó, Thành phố Hà Nội nói riêng với tốc độ phát triển về công nghệ như vũ bão đang có tiềm năng rất lớn để cải thiện thành phố, đẩy nhanh tốc độ thông minh hóa các đô thị. Nhiều dự án thành phố thông minh, khu đô thị thông minh, khu công nghệ - công nghiệp thông minh đang trở thành biểu tượng cho đột phá và tiến bộ như: VinGroup - Dự án VinCity và Vinhomes Smart City, Tập đoàn BRG và Sumitomo Corporation - Khu đô thị Nhật Tân - Nội Bài...
Bên cạnh các phiên thảo luận và tọa đàm chuyên sâu, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024 còn mang đến một không gian triển lãm sáng tạo, nơi giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ tiên tiến phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Đây không chỉ là cơ hội để chúng ta gặp gỡ, trao đổi, mà còn là nền tảng để mở rộng hợp tác, kết nối trí tuệ và công nghệ, hướng tới những bước tiến vượt bậc trong tương lai. |