Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để khơi thông nguồn lực sản xuất kinh doanh
Địa phương, ngân hàng cùng vào cuộc
Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp - một mô hình được TP. Hồ Chí Minh triển khai nay đã nhân rộng ra cả nước, những năm gần đây được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa vào chỉ thị hàng năm để triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng.
Đối với TP. Hồ Chí Minh, chương trình này gần đây đã trở thành nhiệm vụ của chính quyền địa phương các quận, huyện của thành phố. Trong đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc chuyển từ “hoạt động phối hợp” sang “hoạt động chủ trì, chủ động” do chính quyền quận, huyện tổ chức thực hiện chương trình đã cho thấy tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp và đồng thuận của cả hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Ông Lê Đình Đức - Phó chủ tịch UBND huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh - cho biết, huyện đã tổ chức thành công ba đợt kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong năm 2023 và trong quý I/2024 đã tổ chức một hội nghị nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo huyện và các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn huyện để kịp thời lắng nghe, trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, những đề xuất của các doanh nghiệp.
Tại hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) vừa diễn ra cuối tuần trước, đại diện một số doanh nghiệp cho biết tại Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2023, nhiều doanh nghiệp nêu khó khăn về đơn hàng, tiếp cận vốn, lãi suất… Kết quả, sau một năm, lãi suất không còn là vấn đề đối với các doanh nghiệp này.
Doanh nghiệp và ngân hàng kết hỗ trợ vốn vay tại hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TP. Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) |
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, sau 4 tháng năm 2024 linh hoạt triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, các ngân hàng đã giải ngân 174.000 tỷ đồng vốn tín dụng, cho hơn 42.000 khách hàng. Cụ thể, tổng số vốn đã đăng ký của 17 ngân hàng trên địa bàn từ đầu năm là gần 510.000 tỷ đồng, với lãi suất cho vay ngắn hạn ưu đãi khoảng 4%/năm, đến nay đã giải ngân đạt 174.000 tỷ đồng, chiếm 34% quy mô gói, cho hơn 42.000 khách hàng.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2024, thành phố đã thực hiện Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với sự tham gia của nhiều ngân hàng. Ông Lê Đăng Khoa - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) - cho biết, ngân hàng sẽ tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc nhận định các khó khăn vướng mắc để xem xét và thẩm định vốn vay, điều chỉnh lãi suất cho vay tối đa 8%/năm đối với ngắn hạn và tối đa 11%/năm đối với trung - dài hạn. “Ngoài lãi suất hỗ trợ ở mức thấp như cam kết, SHB sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn tài chính cho khách hàng nhằm hỗ trợ khách hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả nhất giảm thiểu tối đa chi phí kinh doanh cho khách hàng” - ông Lê Đăng Khoa khẳng định.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai kết nối ngân hàng - doanh nghiệp
Việc đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm mục tiêu đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế, trong bối cảnh tín dụng đã tăng nhẹ từ tháng 2 đến nay những vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo dự báo của các ngân hàng về tình hình tăng trưởng tín dụng quý 2/2024 mà Ngân hàng Nhà nước vừa công bố, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân 3,8% trong quý 2/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024. Dự báo này được điều chỉnh giảm 0,6 điểm % so với mức dự báo 14,2% tại kỳ điều tra trước.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 10/5, tín dụng mới tăng 1,95% so với cuối năm 2024, tương đương dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng so với đầu năm, con số này còn cách khá xa so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra cho tăng trưởng tín dụng là 14 - 15% tương đương với khoảng 2 triệu tỷ đồng sẽ được đưa vào nền kinh tế.
Trong khi đó, tại cuộc họp chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, yêu cầu ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng; tiết giảm chi phí, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, phấn đấu tăng tín dụng 5 - 6% ngay trong quý II/2024.
Việc đẩy mạnh kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm mục tiêu đẩy mạnh cung ứng vốn cho nền kinh tế |
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/1/2024 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2024, Quyết định 83/QĐ-NHNN ngày 15/1/2024 về chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng năm 2024, Thông báo số 81/TB-NHNN ngày 29/2/2024 kết luận Hội nghị đẩy mạnh tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Công văn số 3053/NHNN-VP ngày 12/4/2024 về triển khai Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành về tăng trưởng tín dụng ngân hàng năm 2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thực hiện các nhiệm vụ:
Thứ nhất, đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, thường xuyên tổ chức Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Quyết định 83/QĐ-NHNN, Thông báo 81/TB-NHNN, Công văn 3053/NHNN-TD. Chương trình kết nối tổ chức theo hình thức phù hợp như: Hội nghị, làm việc, trao đổi… để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
Chủ động báo cáo Lãnh đạo tỉnh, thành phố, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương nắm bắt tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay.
Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn đầu mối tổ chức; chủ động thường xuyên triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp như: Hội nghị khách hàng, chương trình đối thoại, trao đổi với khách hàng...; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ và các lĩnh vực thế mạnh của địa phương; chủ động tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người dân biết các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước để được thụ hưởng.
“Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền để được xem xét xử lý, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn”, văn bản Ngân hàng Nhà nước nên.
Thứ hai, đối với các tổ chức tín dụng, thường xuyên tổ chức Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Quyết định 83/QĐ-NHNN, Thông báo 81/TB-NHNN, Công văn 3053/NHNN-TD; đa dạng hóa nội dung, chuyên đề Hội nghị bằng các hình thức phù hợp nhằm tăng cường hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của khách hàng có hiệu quả, thực chất; chủ động thông báo cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và của tổ chức tín dụng mình cho khách hàng, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thường xuyên, qua đó mở rộng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân.
Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trong hệ thống tích cực tham gia Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại địa bàn do Ngân hàng Nhà nước tổ chức; bản thân từng chi nhánh tổ chức có hiệu quả, thiết thực Chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp như: Hội nghị khách hàng, trực tiếp làm việc, trao đổi, đối thoại với khách hàng...; nghiên cứu, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp và đăng ký các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ ngân hàng; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc trong hệ thống; báo cáo chính quyền địa phương, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành có liên quan về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.