Kết nối để hình thành chuỗi giá trị sản xuất
Đây là cơ sở vững chắc để tỉnh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Liên kết các khu công nghiệp qua mạng lưới giao thông
Quảng Ninh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN), 5 khu kinh tế (KKT) nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thuộc nhóm tỉnh, thành phố có nhiều KCN, KKT nhất nước và được kết nối với nhau bằng hệ thống hạ tầng giao thông xuyên suốt, tạo thuận lợi cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa. Trên địa bàn các KCN, KKT, hiện có 216 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực, 84 dự án FDI, tổng vốn đầu tư trên 4,2 tỷ USD; 132 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư 49.889 tỷ đồng. Hầu hết các dự án ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sản phẩm chính là thiết bị điện tử, dệt may.
Năm 2022, Quảng Ninh xác định địa bàn KCN, KKT là một trong những động lực, bệ đỡ để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trên 2 con số. Với quan điểm “giao thông đi trước một bước”, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế, trở thành giải pháp đột phá để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đến các KCN, KKT.
Như KKT ven biển Quảng Yên với lợi thế vừa có đường biển, vừa có đường bộ và đường hàng không giáp với Sân bay Cát Bi và Sân bay Vân Đồn giúp cho hoạt động vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của KKT này đa dạng và có sức cạnh tranh cao so với các KKT khác. Chính với ưu thế về vị trí này, KKT ven biển Quảng Yên ngày càng nổi bật trong vai trò trạm trung chuyển quốc tế, trở thành đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ đi các khu vực thuộc Đông Bắc Á, Đông Nam và Tây Nam Trung Quốc.
Hiện, KKT ven biển Quảng Yên đã quy hoạch, phát triển 5 KCN gồm: KCN Đông Mai, KCN Sông Khoai, KCN Bắc Tiền Phong, KCN Nam Tiền Phong và KCN Bạch Đằng. Các KCN này đều sở hữu lợi thế lớn về vị trí địa lý nhờ kết nối trực tiếp với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Đặc biệt, sau khi tỉnh khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và triển khai hàng loạt dự án giao thông động lực trên địa bàn KKT Quảng Yên, KCN Nam Tiền Phong, KCN Bắc Tiền Phong và KCN Sông Khoai đã tạo thêm lợi thế cạnh tranh mới rất khác biệt. Cùng với đó, KCN sở hữu nhiều cơ chế chính sách ưu đãi rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, KCN Bắc Tiền Phong đã có 3 nhà đầu tư thứ cấp được Ban Quản lý KKT cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư 5.510 tỷ đồng; 2 nhà đầu tư đã trình Ban Quản lý KKT hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn trên 1.200 tỷ đồng; 4 nhà đầu tư đã ký hợp đồng giữ đất và biên bản ghi nhớ đầu tư.
Hấp dẫn các nhà đầu tư
Từ đầu năm 2022 đến nay, các doanh nghiệp trong KCN đã đầu tư trên 1.100 tỷ đồng đầu tư mở rộng dây chuyền, nhà xưởng, tăng cường sản xuất, đảm bảo các đơn hàng đã ký kết. KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên) có các dự án: Jinsung Hitec Vina, Nhà máy ZKM Vina, Ideal, Nhà máy Lioncore đầu tư xây dựng xong nhà xưởng, bắt đầu đi vào sản xuất, kinh doanh. KCN Cảng biển Hải Hà, dự án nhà máy dệt kim đã hoàn thành đầu tư, chuẩn bị đi vào sản xuất.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục nỗ lực, chủ động khai thác hiệu quả cao nhất lợi thế đầu tư, xúc tiến thu hút các dự án đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua, đặc biệt là 3 KKT trọng điểm (KKT cửa khẩu Móng Cái - Hải Hà, KKT Vân Đồn, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên); thiết lập huyết mạch giao thông liên vùng Lạng Sơn - Quảng Ninh, Bắc Giang - Quảng Ninh, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như kết nối các thị trường trong toàn quốc tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái; hiện thực hóa thúc đẩy kết nối giao thông ASEAN - Trung Quốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho Quảng Ninh và cho đất nước liên vùng, quốc tế và khu vực.
Nhà máy Yazaki thuộc Khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên |
Tại buổi kiểm tra hiện trường và làm việc với nhà đầu tư KCN Nam, Bắc Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định, tỉnh Quảng Ninh cam kết đồng hành mạnh mẽ để các nhà đầu tư KCN và các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN phát triển bền vững. Quảng Ninh đang tiếp tục nghiên cứu để đầu tư tuyến đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với thị xã Đông Triều, đoàn từ đường tỉnh 338 đến thị xã Đông Triều. Tuyến đường dài 40,5km, tổng mức đầu tư khoảng 9.162 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường có vai trò huyết mạch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho toàn khu vực phía Tây, lực hút mới để tăng sức hấp dẫn thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các địa phương Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều. Đồng thời, có vai trò kết nối các KCN lớn của khu vực như KCN Amata và KCN cảng biển Đầm Nhà Mạc; tăng tính liên kết mạnh mẽ hơn của tam giác Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc bộ... Đây cũng là dự án sẽ phát huy lợi thế kết nối giao thông đường thủy, cảng thủy nội địa với các tuyến giao thông đường thủy quan trọng phía Bắc; kết nối giao thông thuận tiện với các trung tâm phát triển của tỉnh Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội.
Tỉnh Quảng Ninh đã và đang liên kết thành công giữa các nhà máy, KCN với cảng biển, sân bay để hình thành chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. |