Hydrogen xanh mở đường cho tương lai xanh
Diễn đàn được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã phối hợp cùng các cơ quan đầu mối của Bộ Công Thương, Quỹ phát triển châu Á, Tập đoàn SK, Tập đoàn xăng dầu Petrolimex tổ chức Diễn đàn cấp cao với chủ đề “Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam”.
Sự kiện nằm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) kết hợp Lễ khánh thành NIC Cơ sở Hòa Lạc, nhằm đánh giá tầm quan trọng của Hydrogen xanh trước xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng, góp phần thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Biến đổi khí hậu đang là mối đe dọa toàn cầu, tác động đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam và hơn 150 quốc gia đã cam kết giảm phát thải ròng về mức “0” vào năm 2050. Hơn 100 quốc gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu đến năm 2030, và 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Gần 50 quốc gia đã đưa ra cam kết chuyển đổi từ năng lượng than sang năng lượng sạch. Đây là những nỗ lực quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Toàn cảnh Diễn đàn cấp cao "Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng hydrogen xanh tại Việt Nam" diễn ra vào chiều 28/10 (Ảnh: Duy Phương) |
Diễn đàn là nơi quy tụ các nhà lãnh đạo, nhà đầu tư và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực năng lượng nói chung và Hydrogen xanh nói riêng cùng thảo luận về cơ hội và thách thức, đánh giá thực trạng phát triển Hydrogen xanh tại Việt Nam; từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp mở đường cho tương lai phát triển Hydrogen xanh tại nước ta.
Tại diễn đàn, các lãnh đạo cấp cao của SK E&S đã chia sẻ về hành trình kinh doanh xanh của tập đoàn SK (SK Inc.), mang đến kiến thức đóng góp cho việc đổi mới nền kinh tế xanh và các mô hình kinh doanh tại Việt Nam.
Đồng thời, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã trình bày “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nội dung quy hoạch năng lượng Hydro Xanh”, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trình bày “Xu hướng chuyển dịch năng lượng và cơ hội tham gia chuỗi giá trị hydro của Petrolimex”…
Qua đó, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về các vấn đề chính: “Xu hướng toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng - Xu hướng công nghệ và xu hướng đầu tư”, “Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nội dung quy hoạch năng lượng Hydro Xanh”, “Tiềm năng và Yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu Hydro Xanh tại Việt Nam”, “Mô hình kinh tế tuần hoàn điển hình: Từ khai khoáng bền vững tới sản xuất xanh, thông minh; Tầm nhìn 2050: Net Zero & thương mại hóa trên toàn cầu sản phẩm pin sạc nhanh có thành phần vonfram cho xe điện EV”, cho tới Tọa đàm về “Cơ hội và thách thức phát triển Hydro tại Việt Nam”.
Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định “Hydrogen xanh đã nổi lên như một giải pháp nổi bật trong tiến trình theo đuổi một “tương lai xanh”. Đây là giải pháp hứa hẹn mang lại cho các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nâng cao giá trị của năng lượng tái tạo, áp dụng vào nhiều ngành nghề sản xuất kinh doanh và trong cả đời sống xã hội hàng ngày. Phát triển hydrogen xanh được xem là cấp thiết trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam”.
Các chuyên gia tại Diễn đàn cũng đề xuất rằng Việt Nam cần sớm thông qua các chính sách và cơ chế thích hợp để xây dựng cơ sở hạ tầng và chuỗi giá trị liên quan đến hydrogen. Điều này bao gồm việc tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các dự án sản xuất hydrogen sạch. Đồng thời, cần tập trung vào hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này và thiết lập quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến hydrogen.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Lễ ký kết biên bản hợp tác đã diễn ra dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Đại diện Chủ tịch Quỹ Châu Á, Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), Masan High-Tech Materials, Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương BCG, Viện Dầu khí Việt Nam, Quỹ đầu tư Capital Nature, Plug Power, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng toàn thể đại biểu tham dự. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển lĩnh vực năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam, đặt nền tảng để các bên hợp tác, cùng nghiên cứu và triển khai các dự án về năng lượng và các mô hình kinh doanh xanh, đồng thời nghiên cứu và phát triển lĩnh vực năng lượng sạch và biến đổi khí hậu. Từ đó, thúc đẩy sự hợp tác và đổi mới trong lĩnh vực năng lượng và mô hình kinh doanh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng và phát triển ngành năng lượng Hydrogen xanh tại Việt Nam đã mang đến góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia, tập đoàn lớn về lĩnh vực năng lượng Hydrogen xanh trong và ngoài trước.
Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ các quan điểm thẳng thắn xu hướng phát triển năng lượng Hydrogen xanh trên toàn cầu, đánh giá những tiềm năng và yêu cầu đối với thị trường Việt Nam, đồng thời, đề xuất các giải pháp, chính sách để Việt Nam từng bước hiện thực hóa quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nội dung quy hoạch năng lượng Hydro xanh.