Hungary kêu gọi phương Tây nghiêm túc xem xét vụ phóng tên lửa Oreshnik của Nga
RIA Novosti dẫn lời ông Orban cho hay, sự thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga và bài phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin về việc thử tên lửa đạn đạo siêu thanh Oreshnik không phải là trò chơi, do đó phương Tây nên xem xét cảnh báo của Nga một cách nghiêm túc.
Theo ông, ở phương Tây và ở Nga có “sức nặng và ý nghĩa của lời nói” khác nhau. “Ở Nga, nếu tổng thống nói điều gì đó, đó không phải là nói đùa, nó có sức nặng và hậu quả... Khi Nga thay đổi quy tắc sử dụng vũ khí hạt nhân, được gọi là học thuyết, đó không phải là giao tiếp, chính xác học thuyết đã được thay đổi. Và sẽ gây ra hậu quả”, ông Orban nói.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: RIA |
Thủ tướng Hungary cũng nhắc lại, cuộc xung đột ở Ukraine diễn ra ngay trước câu hỏi của Nga với các nước NATO về việc đảm bảo Ukraine không gia nhập liên minh, mà phương Tây trả lời như thường lệ bằng một câu giao tiếp đơn giản rằng: “gia nhập NATO là việc tự nguyện của mỗi nước”.
Trước đó, Tổng thống Putin cho biết, Moscow đã sử dụng tên lửa siêu thanh mới, không mang đầu đạn hạt nhân, có tên là Oreshnik. Theo ông, vũ khí này đã được phóng vào cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine ở Dnipro, đồng thời khẳng định cuộc tấn công đã diễn ra thành công.
“Những tên lửa này có thể di chuyển tới 5.000 km với tốc độ lên tới Mach 10 (2,5-3 km/giây). Cho đến nay, không có một hệ thống phòng thủ nào có thể đánh chặn vũ khí mới nhất của Nga”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Ông lưu ý, việc thử nghiệm tên lửa mới là để đáp trả các cuộc tấn công của lực lượng vũ trang Ukraine vào các mục tiêu ở Bryansk, Kursk hôm 19 và 21/11 bằng tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa Storm Shadow/SCALP của Pháp-Anh. Bên cạnh đó, việc triển khai tên lửa Oreshnik cũng nhằm đáp trả kế hoạch sản xuất, triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn của Mỹ.
Trong khi đó, theo Kyiv Independent, thông tin về tên lửa Oreshnik được Tổng thống Putin nhắc đến còn rất hạn chế. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Yan Matveev nói với IStories rằng, đây có thể là phiên bản sửa đổi của tên lửa Rubezh.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-26 Rubezh được cho là có tầm bắn lên tới 6.000 km và có thể mang 4 đầu đạn, mỗi đầu đạn có uy lực nổ tương đương 0,3 megaton.