Thứ ba 26/11/2024 03:35

Họp Tổ điều hành thị trường trong nước tháng 6 năm 2023: Thị trường trong nước là điểm sáng của nền kinh tế

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm có sự tăng trưởng cao. Như vậy, thị trường trong nước là điểm sáng của nền kinh tế.

Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,9% sau 6 tháng

Sáng 30/6, tại Hà Nội, Tổ Điều hành thị trường trong nước đã họp phiên thường kỳ tháng 6 và sơ kết 6 tháng đầu năm 2023.

Thông tin tại cuộc họp, ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 6 đạt 505.651 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước.

Doanh nghiệp bán lẻ đồng hành, hỗ trợ địa phương tiêu thụ nông sản mùa vụ

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 3.016.764 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 13,5%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 14,4-65,9%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi sau dịch bệnh Covid-19. Tiếp đến là nhóm hàng may mặc, văn hóa phẩm giáo dục (tăng 9,3-9,5%); các nhóm còn lại chỉ tăng từ 2,5-4%.

Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng 8,4%.

Đánh giá về mức tăng của thị trường bán lẻ trong 6 tháng qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Tổ trưởng Tổ Điều hành thị trường trong nước nhận định: “Trong bối cảnh nhiều lĩnh vực của nền kinh tế suy giảm, mức tăng của thị trường trong nước và việc đảm bảo cung cầu, giá cả hàng hoá thời gian qua cho thấy đây là một trong những điểm sáng của nền kinh tế”.

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Minh Hùng - Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thông tin, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước đạt 99.657 tỷ đồng, tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 41,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng năm 2022 ước đạt 556.488 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố trong 6 tháng qua đã tăng 3,73% so với cùng kỳ, nằm trong chỉ tiêu được cho phép.

“Ở góc độ điều hành thị trường trong nước, ngành Công Thương thành phố trong 6 tháng qua đã tập trung kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, phối hợp với hàng loạt các doanh nghiệp lớn như CP, Vissan với sự hỗ trợ của các đối tác để có lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp”, ông Hùng chia sẻ.

Đặc biệt, 6 tháng qua, Sở Công Thương đã tập trung kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất, giúp doanh nghiệp sản xuất bán được hàng hoá, còn doanh nghiệp phân phối có được nguồn hàng uy tín, chất lượng. Đặc biệt, chi phí ăn ở cho doanh nghiệp đều được hỗ trợ nên doanh nghiệp rất hào hứng tham gia các chương trình này.

Đối với Hà Nội, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 đạt 62,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369 nghìn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Thế Hiệp – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin, Hà Nội đang có mạng lưới phân phối với 28 trung tâm thương mại, 132 siêu thị và 450 chợ các loại, hơn 2000 cửa hàng tiện ích. Thời gian qua, thành phố đã khai trương siêu thị Fuji Huỳnh Thúc Kháng để mở rộng mạng lưới phân phối phục vụ người dân thủ đô.

Thành phố cũng tích cực tham mưu UBND triển khai Chương trình Bình ổn thị trường năm 2023; tổ chức nhiều sự kiện kích cầu tiêu dùng như các Tuần hàng trái cây nông sản, các triển lãm quốc tế, hội chợ hàng OCOP… để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho thị trường. Thành phố còn tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp để tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường.

Tích cực kích cầu tiêu dùng, đảm bảo cung cầu hàng hoá thiết yếu

Từ nay đến cuối năm, dự báo thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như giá các mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có thể diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới giá mặt hàng xăng dầu, khí đốt tại thị trường trong nước. Bên cạnh đó, nguồn cung các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong nước hiện nay khá dồi dào, nhu cầu không cao nên giá các mặt hàng này sẽ tương đối ổn định. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự phối hợp linh hoạt, chặt chẽ trong công tác điều hành của các Bộ ngành, thị trường sẽ không có hiện tượng tăng giá đột biến.

Do đó, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề xuất, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023 và Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2023, trong đó có nhiều giải pháp góp phần đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu, bình ổn thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.

Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì/phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước; kết hợp đẩy mạnh triển khai các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, hỗ trợ sản xuất hàng hoá trong nước thay thế nhập khẩu; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng ViệtNam”. Đồng thời, tổ chức tốt công tác thông tin dự báo để chủ động, bám sát thị trường trong công tác điều hành thị trường trong nước, kịp thời đề xuất các giải pháp nhằm ổn định thị trường, kiểm soát lạm phát.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, để duy trì tăng trưởng thị trường nội địa, các địa phương, doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để đảm bảo có nguồn hàng dồi dào, ổn định giá cả hàng hoá, đặc biệt là thời điểm tháng 7 khi đến kỳ tăng lương cơ bản.

Về phía các địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, ngày 15/6, TP Hồ Chí Minh đã kích hoạt chương trình khuyến mại tập trung kéo dài 3 tháng. Trong bối cảnh người tiêu dùng còn nhiều khó khăn, sức mua thấp, các hoạt động kích cầu được kết hợp với các tổ chức tín dụng để tạo cơ hội cho người tiêu dùng được giảm giá nếu thanh toán trực tuyến. Song song với đó, TP Hồ Chí Minh vẫn triển khai các chương trình kết nối nông sản, mùa nào thức đấy vào hệ thống các siêu thị để hỗ trợ các địa phương tiêu thụ nông sản.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho hay, từ nay đến cuối năm, Thành phố sẽ triển khai các chương trình kích cầu theo kế hoạch đề ra. Tập trung vào việc kết nối cung cầu, bình ổn thị trường, đưa hàng về miền núi, quảng bá và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP… Song song với đó là kết hợp với kiểm tra kiểm soát thị trường, đảm bảo giá cả và nguồn hàng luôn bình ổn, đặc biệt là vào các dịp Lễ, Tết.

Đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho hay: “6 tháng cuối năm, tình hình nguồn cung xăng dầu cơ bản ổn định, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng”.

Sẽ đảm bảo nguồn cũng xăng dầu từ nay đến cuối năm

Đối với nguồn cung trong nước, trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch bảo dưỡng từ 25/8, sẽ tác động đến nguồn cung của thương nhân vào tháng 9, 10. Tuy nhiên, do Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao nhập khẩu ngay từ đầu năm nên dự kiến việc dừng để bảo dưỡng nhà máy theo định kỳ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung do doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu để bù đắp cho nguồn thiếu hụt.

“Chúng tôi sẽ theo dõi để thực hiện nghiêm kế hoạch của Bộ Công Thương về phân giao tổng nguồn nhập khẩu để đảm bảo ổn định nguồn hàng cho nhu cầu sử dụng trong nước” – ông Năm khẳng định.

Phương Lan
Bài viết cùng chủ đề: Thị trường trong nước

Tin cùng chuyên mục

Chỉ thị của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về đảm bảo bảo cung cầu, bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ

Giá đậu tương năm 2025 sẽ diễn biến ra sao?

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 21/11: MXV-Index tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 20/11: Sắc xanh bao phủ thị trường kim loại và năng lượng

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 19/11: Giá dầu tăng mạnh, thị trường kim loại phục hồi

Doanh nghiệp ngoại thi nhau mở điểm bán, bức tranh thị trường bán lẻ nội cuối năm 2024 ra sao?

Doanh nghiệp bán lẻ tăng mở mới, thị trường kỳ vọng 'bùng nổ' cuối năm

Thị trường hàng hóa hôm nay 14/11/2024: Chỉ số MXV-Index chấm đứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp

Doanh nghiệp sẵn sàng nguồn cung hàng hoá phục vụ cuối năm và Tết Ất Tỵ

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/11/2024: Giá đậu tương mở rộng đà suy yếu

POND’S mang kiến thức chăm sóc da đúng chuẩn tới gần 1000 học sinh Bến Tre

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/11/2024: Giá dầu thế giới giảm hơn 2%

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/11/2024: Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc cao kỷ lục đẩy giá tăng mạnh

Thị trường hàng hóa hôm nay 8/11/2024: Lực mua mạnh mẽ kéo MXV-Index quay lại mức cao nhất trong vòng ba tuần

Thị trường hàng hóa hôm nay 7/11/2024: Giá kim loại đồng loạt giảm, giá ngô đi ngược chiều thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 6/11/2024: Sắc xanh áp đảo trên thị trường hàng hóa thế giới

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 tăng 8,5%

TP. Hồ Chí Minh tăng cường bảo đảm bình ổn hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ 2025

Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 5/11: Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khởi sắc trong phiên đầu tuần

Đồng Nai: Thu hơn 240.000 tỷ đồng từ bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng