Hơn 800.000 nhà giáo đã góp ý dự thảo Luật Nhà giáo
Thông tin tại cuộc họp về tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 1/7, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - cho biết, nhằm thể chế đầy đủ các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 6/2023, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo.
Sau gần 1 năm khẩn trưởng xây dựng, ngày 13/6/2024, dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xin ý kiến rộng rãi.
Trước đó, ngày 8/6/2024, Quốc hội có Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó Luật Nhà giáo chính thức được bổ sung vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2024.
Ngày 26/6/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 586/QĐ-TTg phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và các dự án luật thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025. Trong đó, thời hạn trình Chính phủ Luật Nhà giáo vào tháng 8/2024; thời hạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9/2024.
Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, sau khi hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ; Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi văn bản tới các Bộ, ngành, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ, 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để xin ý kiến góp ý.
Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động tổ chức xin ý kiến rộng rãi đến tất cả nhà giáo trong thuộc thẩm quyền quản lý bằng các hình thức phù hợp.
Hơn 800.000 nhà giáo đã góp ý dự thảo Luật Nhà giáo |
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng trực tiếp tổ chức/đặt hàng các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo/tọa đàm tại để xin ý kiến chuyên sâu về các nội dung chính sách trong dự thảo Luật như: Quản lý nhà nước về nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, chế độ, chính sách đối với nhà giáo ngoài công lập, chế độ, chính sách đối với nhà giáo giáo dục thường xuyên…
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã tổng hợp các ý kiến góp ý, làm việc với các chuyên gia soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và các hồ sơ kèm theo.
“Theo Kế hoạch soạn thảo Luật Nhà giáo, ngày 12/7/2024, hồ sơ dự thảo Luật Nhà giáo sẽ đủ 60 ngày được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Chậm nhất trước 1/9/2024, hồ sơ Luật Nhà giáo phải được hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp thời hạn thẩm tra của các Ủy ban và gửi các đại biểu Quốc hội trước 20/9/2024” - ông Vũ Minh Đức thông tin.
Thông tin thêm về quá trình xin ý kiến đối với dự thảo Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Phạm Ngọc Thưởng cho biết, đến ngày 30/6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được góp ý của 60 tỉnh/thành phố; 14 Bộ, ngành và 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ với sự tham gia của hơn 800.000 nhà giáo. Trong tháng 5 và 6/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức 9 cuộc tọa đàm/hội thảo tham vấn chuyên môn sâu về một số nội dung của dự thảo Luật Nhà giáo.
Hơn 800.000 nhà giáo đã góp ý dự thảo Luật Nhà giáo |
Tại buổi họp, các đại biểu tập trung thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc làm rõ hơn mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo với Luật Viên chức và Luật giáo dục và một số luật khác có liên quan; về chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; một số chính sách đối với nhà giáo; về đối tượng nhà giáo giáo dục thường xuyên; về các nhân sự khác trong ngành Giáo dục như cán bộ quản lý giáo dục, các vị trí việc làm chuyên ngành giáo dục, đào tạo nhưng không phải là giáo viên, giảng viên...
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến góp ý tâm huyết cho dự thảo Luật Nhà giáo; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ quan tâm theo dõi, lắng nghe ý kiến từ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong cấp học mình quản lý về dự thảo Luật.
Một lần nữa chia sẻ quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo để phát triển đội ngũ nhà giáo, lấy nhà giáo làm trung tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Luật Nhà giáo được ban hành sẽ làm đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo, chuyển từ hướng quản lý hành chính, mệnh lệnh, sang quản lý bằng chất lượng, tiêu chuẩn.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, với nhà giáo, quyền và nghĩa vụ phải song hành; giữa tôn vinh rất cao và đòi hỏi nghiêm ngặt là không tách biệt. Nên yêu cầu cao hơn với nhà giáo, từ đó dần nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục.
“Chúng ta không ngần ngại đối mặt với những cái mới khi xây dựng Luật” - chia sẻ điều này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng thời lưu ý, với một việc lớn như xây dựng Luật Nhà giáo, thời gian rất gấp, yêu cầu chất lượng cao, mục tiêu kỳ vọng Luật sẽ điều chỉnh được nhiều nội dung, yêu cầu cần tập trung rất cao độ cho việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật; đáp ứng kỳ vọng đây là cơ sở pháp lý để phát triển lực lượng nhà giáo.