Hơn 5.000 bài thi đạt điểm 10 tốt nghiệp THPT, Thanh Hóa nhiều nhất cả nước
Thống kê sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 cho thấy, cả nước có hơn 5.000 bài thi đạt điểm 10.
Trong đó, môn Giáo dục công dân có nhiều điểm 10 nhất với 2.836 điểm 10; môn Lịch sử có 1.779 bài thi đạt điểm 10; Ngoại ngữ có 425 điểm 10; Địa lý có 163 điểm 10; Hoá học có 158 điểm 10, Vật lý 154 điểm 10, Toán 35 điểm 10; Ngữ văn và Sinh học, mỗi môn có 5 bài thi đạt điểm 10.
Tuy nhiên, nếu so với năm 2021 thì số lượng điểm 10 một số môn thi đều giảm mạnh.
Đơn cử như môn Giáo dục công dân, số bài thi đạt điểm 10 năm 2022 giảm hơn 7 lần so với năm 2021 (năm 2021 có 18.680 bài thi đạt điểm 10); số bài thi đạt điểm 10 môn Ngoại ngữ cũng giảm hơn 10 lần so với năm 2021 với 4.345 bài thi đạt điểm 10; riêng môn Sinh học giảm 100 lần so với năm 2021 ( năm 2021 số bài thi đạt điểm 10 là 582.
Trong khi năm 2022 chỉ có 5 bài thi đạt điểm 10); Địa lý giảm gần 1 nửa số điểm 10 so với năm 2021; môn Toán cũng giảm số lượng điểm 10 (năm 2021 là 52 điểm 10, năm 2022 chỉ có 35 điểm 10).
Riêng môn Lịch sử, số lượng điểm 10 năm 2022 tăng ấn tượng nhất với 1.779 điểm, cao gấp nhiều lần so với năm 2021 chỉ có 266 điểm 10. Môn Vật lý có số điểm 10 tăng mạnh, từ 14 điểm 10 năm 2021 tăng lên 154 điểm 10 vào năm 2022. Các môn còn lại gồm Hoá học, Ngữ văn số điểm 10 tăng không đáng kể so với năm 2021.
Cũng theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về số thí sinh đạt điểm 10, với 411 thí sinh. Đứng sau Thanh Hóa là Hà Nội, với 389 thí sinh.
Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về số thí sinh đạt điểm 10, với 411 thí sinh. |
Ở chiều ngược lại, số lượng điểm liệt (bằng hoặc dưới 1 điểm) ở các môn thi năm nay cũng giảm mạnh so với năm 2021.
Cụ thể, năm 2021 cả nước có 1.281 bài thi điểm liệt nhưng năm nay có hơn 1.000 bài.
Trong đó, môn Toán có 165 bài thi bị điểm liệt; môn Ngữ văn có 194 bài thi điểm liệt; Vật lý có 24 bài thi điểm liệt; Hoá học có 43 bài thi điểm liệt. Số lượng bài thi bị điểm liệt tương tự ở môn Hoá học là 94, môn Lịch sử là 83, Địa lý là 38 và Giáo dục công dân là 30 và môn Tiếng Anh giữ vị trí “đầu bảng” với 423 bài thi bị điểm liệt.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, qua đánh giá chung phổ điểm tổng hợp, có thể thấy cơ bản kết quả kỳ thi năm nay không có sự thay đổi lớn so với năm 2021 và giữ ở mức ổn định.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhận định: Có thể thấy những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Những vùng như Đồng bằng Sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn. Với phổ điểm như thế này thì năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học nữa vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chậm nhất ngày 28/7, thí sinh sẽ biết liệu mình có được công nhận tốt nghiệp THPT hay không.
Chậm nhất 30/7, sĩ tử nhận được giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, chứng nhận kết quả thi, học bạ để chuẩn bị cho việc xét tuyển đại học.