Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023: Thu hút nhiều nhà đầu tư
Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa lớn hàng đầu trong nước
Ngày 24/4, tại TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn đã diễn ra "Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023". Sự kiện do Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức.
Hội nghị thu hút khoảng 400 đại biểu trên toàn quốc tham dự đến từ cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương, các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, các Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho biết, Lạng Sơn được mệnh danh là “hòn ngọc phía Bắc của Tổ quốc", điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, Lạng Sơn là cửa ngõ của các nước ASEAN với thị trường phía Nam Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023 |
Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lạng Sơn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng cũng truyền thống lịch sử lâu đời, với nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh... tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu thống nhất, cùng với đó là nhiều sản vật xứ Lạng phong phú, độc đáo đã được ghi nhận. Lạng Sơn có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên; có vị trí địa lý rất tốt để phát triển kinh tế khi là cửa ngõ biên giới, nằm trong tuyển hành lang kinh tế xuyên Á, giáp với nước bạn Trung Quốc với nền kinh tế năng động, lại cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển.
Thời gian qua, Lạng Sơn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế về vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện nhiều dự án lớn và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch.
Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong cả nước có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận trực tiếp các dự án đầu tư, thương mại, du lịch tiềm năng của tỉnh; nắm rõ những cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Lạng Sơn dành cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, thông qua những cam kết, chia sẻ của lãnh đạo tỉnh sẽ giúp cho doanh nghiệp có góc nhìn đa chiều và sâu sát hơn để chuẩn bị hiệu quả cho dự án trong tương lai.
Đồng thời Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, tìm kiếm, mời gọi những cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh.
Nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư tại Lạng Sơn
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh Lạng Sơn có đường biên giới với Trung Quốc dài 231,74 km tiếp giáp Trung Quốc với 12 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu quốc gia và 9 cửa khẩu phụ. Do đó, tỉnh Lạng Sơn có vị trí quan trọng trong giao thương của Việt Nam với Trung Quốc và Trung Quốc với các nước ASEAN.
Với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, Lạng Sơn còn có thế mạnh về phát triển các loại cây trồng nông - lâm nghiệp như trồng rừng, cây lương thực, rau quả có giá trị kinh tế cao như: thông, bạch đàn, quế, hồi, na, quýt...
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại Hội nghị |
Trên địa bàn tỉnh cũng có khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của Quốc gia) là lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế cửa khẩu của tỉnh cũng như của Quốc gia.
Tỉnh Lạng Sơn đang chú trọng đến việc phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã có 2 Khu công nghiệp được quy hoạch và đầu tư là Khu công nghiệp Đồng Bành và Khu công nghiệp Hữu Lũng. Hiện, đang thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư hạ tầng 1 khu công nghiệp với diện tích 600 ha; theo quy hoạch đến 2030, tỉnh sẽ có 6 khu công nghiệp, 22 cụm công nghiệp với tổng diện tích được quy hoạch trên 3.000 ha.
Trong những năm qua, kinh tế Lạng Sơn duy trì đà tăng trưởng khá, chỉ số phát triển kinh tế GRDP năm 2022 đạt 7,22%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng theo định hướng: Nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 21,1%, công nghiệp - xây dựng chiếm 24,4%, dịch vụ chiếm 49,98%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 51,72 triệu đồng.
Tổng kim ngạch thương mại qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh tuy bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp thắt chặt phòng chống Covid-19 của Trung Quốc, nhưng năm 2022 vẫn đạt gần 30 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch hàng hóa mở tờ khai Hải quan tại Lạng Sơn đạt 3 tỷ 100 triệu USD; Quý I/2023, tổng giá trị kim ngạch thương mại qua biên giới tăng mạnh, đạt 8,5 tỷ USD. Hoạt động du lịch được phục hồi mạnh mẽ, trong Quý I thu hút được trên 1.350 nghìn lượt khách du lịch, tăng 78,6% so với cùng kỳ.
Công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh đã có sự cải thiện tích cực. Năm 2022, Lạng Sơn nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có điểm PCI hàng đầu Việt Nam, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 2 trong top 3 tỉnh, thành phố có Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng đầu năm 2022.
Theo ông Thiệu, hiện nay có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn. Trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn, có uy tín, năng lực mong muốn đầu tư thực sự tại tỉnh như các nhà đầu tư đến từ Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đến đầu tư tại Lạng Sơn như: Vin Group, Sun Group, Sovico, Apec, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Một số tập đoàn đang khảo sát nghiên cứu đầu tư như: Viglacera, T&T, Gia Định, TH True Milk, Flamingo và nhiều nhà đầu tư tiềm năng khác.
Trong giai đoạn 2016 - 2022, toàn tỉnh đã thu hút được 154 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 60.000 tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính sách cải cách toàn diện thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo hành lang thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, nhiều hội viên của VACOD và HBA trong cả nước đã chọn Lạng Sơn để đầu tư như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Dương (Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Phú Lộc I + II), Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long (Dự án Mailand Hoàng Đồng Lạng Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam (Dự án Chuỗi khách sạn SOJO tại Lạng Sơn và các tỉnh trên cả nước).
Tại hội nghị này, VACOD với vai trò chủ trì cùng 12 Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tổ chức ký kết "Thỏa thuận hợp tác chung" nhằm mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp của các địa phương và doanh nghiệp VACOD trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy và triển khai các hoạt động Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch cho các địa phương; mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, thực hiện cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Lễ ký kết "Thỏa thuận hợp tác chung" |
Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá cao về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn. Các doanh nghiệp cũng được lắng nghe các ý kiến phản biện, tư vấn của các chuyên gia kinh tế, ý kiến của các lãnh đạo cơ quan Trung ương chỉ đạo trong công tác hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đóng góp ý kiến quý báu để tỉnh Lạng Sơn ngày càng thu hút nhiều khách du lịch, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.