Hội nghị Báo cáo viên Trung ương: Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9%
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp từ điểm cầu chính trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương, kết hợp trực tuyến đến 2020 điểm cầu trên cả nước với gần 75.000 đại biểu tham dự, trong đó có 3 điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương, 57 điểm cầu các tỉnh, 647 điểm cầu cấp huyện và 1313 điểm cầu ở cấp xã. Đáng chú ý, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương mở 267 điểm cầu với gần 9.900 đại biểu tham dự; Cao Bằng có 214 điểm cầu với hơn 5.381 đại biểu tham dự; Phú Yên tổ chức 98 điểm cầu với tổng số 7.290 đại biểu tham dự; Vĩnh Long kết nối tới 98 điểm cầu với sự tham dự của 4.287 đại biểu.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe thông tin chuyên đề: Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024”, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung báo cáo thông tin chuyên đề: “Tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2024”. Ảnh: Việt Đức/TTXVN |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đã khẳng định sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, khái quát thành 10 điểm nổi bật. Theo đó, tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 6 tháng đạt 6,42%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được tập trung triển khai quyết liệt, với tinh thần cải cách, phát triển trong từng bộ, ngành, địa phương, tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc, chủ động kiến tạo, hình thành nền tảng quan trọng cho phát triển đất nước trong trung và dài hạn, trong đó Chính phủ đã trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian có hiệu lực ban đầu.
Hệ thống kết cấu hạ tầng tiếp tục được ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư, đạt nhiều kết quả rõ nét, trong đó dự án đường dây 500kV mạch 3 trở thành hình mẫu điển hình trong tổ chức thi công, thực hiện các dự án đầu tư công. Nhiều công trình đưa vào khai thác, mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các vùng, cả nước và địa phương.
Tổng vốn FDI đăng ký 7 tháng đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt gần 10,8 tỷ USD, tăng 35,6%; vốn FDI thực hiện khoảng 12,6 tỷ USD, tăng 8,4%.
Chính phủ đã ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh. Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới như chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Công tác quy hoạch đã cơ bản hoàn thành. Tính đến hết tháng 7/2024, 63/63 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch, 60/63 quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: Việt Đức/TTXVN |
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên, trong đó cải cách chính sách tiền lương được tập trung triển khai; đã hoàn thiện các quy định để nâng mức lương cơ sở cho khu vực công, lương hưu, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024; các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu tiếp tục được quan tâm phát triển. Đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thực chất và toàn diện hơn, có dấu ấn nổi bật, cụ thể hóa thành các dự án cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá.
Để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: khẩn trương rà soát, quyết liệt tháo gỡ, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, thủ tục hành chính, bảo đảm tiến độ, chất lượng, xác định đây là động lực tạo bứt phá cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 và thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới 3 động lực tăng trưởng đầu tư, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, trọng tâm là kiểm soát lạm phát; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới từ kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy cách tiếp cận mới theo Luật Quy hoạch để tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, sớm đưa quy hoạch vào cuộc sống; tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để triển khai các Quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho cả nước. Cùng với đó, phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả ở Trung ương, các vùng và địa phương, nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước; thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...