Hoạt động khoa học - công nghệ ngành Công Thương: Đổi mới, sáng tạo, tự chủ
Ngành cơ khí đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp nặng
- Chuyển biến tích cực
Theo ông Nguyễn Đình Hiệp - Vụ trưởng Vụ KH-CN (Bộ Công Thương), sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, hầu hết các viện đều có sự chuyển biến rất tích cực. Doanh thu từ hoạt động KH-CN tăng đáng kể, nhất là doanh thu từ hợp đồng tư vấn, dịch vụ KH-CN; chuyển giao công nghệ từ các nguồn ngoài ngân sách Nhà nước tăng mạnh. Cụ thể: Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI), Viện Nghiên cứu cơ khí, Viện KH-CN mỏ - Vinacomin, Viện Dầu khí… đạt doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Về tổ chức, các viện đã rà soát lại cơ cấu tổ chức; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị. Hình thành, phát triển một số tổ chức mới, đồng thời thu gọn hoặc sáp nhập các phòng, ban cho phù hợp với nhiệm vụ, tình hình mới.
Tận dụng nguồn tài sản vô giá là chất xám, các viện không chỉ thực hiện các hợp đồng tư vấn mà còn chủ động thành lập các công ty con trực thuộc viện, hoạt động như một doanh nghiệp KH-CN. Hầu hết các công ty này đều làm ăn có hiệu quả.
Rất nhiều viện đã chủ động tìm kiếm đối tác, hợp tác quốc tế dưới nhiều hình thức, đồng thời chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp cận công nghệ mới. Điển hình là Viện Dầu khí đào tạo được 7 tiến sĩ và 10 thạc sĩ thông qua dự án ODA với Đan Mạch; Viện Nghiên cứu Cơ khí đào tạo được đội ngũ cán bộ tư vấn về dự án công trình cơ khí thủy công; công trình khai thác, chế biến quặng bauxit; Viện KH-CN Mỏ - Vinacomin đã kết hợp tốt việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thông qua các dự án hợp tác với Nhật Bản; CHLB Nga; Trung Quốc… đồng thời triển khai các dự án chuyển giao công nghệ đào lò, khai thác than hầm lò và lộ thiên.
Rào cản về vốn, chính sách
Cũng theo ông Nguyễn Đình Hiệp, dù có những kết quả khả quan nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định, các tổ chức KH - CN thuộc Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Chủ yếu bắt nguồn từ việc văn bản hướng dẫn thiếu, cơ chế quản lý không đồng bộ; huy động vốn không đáp ứng đủ nhu cầu. Đơn cử như trong lĩnh vực thuế, việc miễn, giảm thuế đối với các viện sau khi chuyển đổi đã có quy định rõ ràng trong Nghị định 115. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên khi tổ chức KH – CN xin miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận. Ngoài ra, Thông tư liên tịch số 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN (hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH-CN có sử dụng ngân sách nhà nước) chưa được sửa đổi, gây khó khăn cho hoạt động của các viện. Đặc biệt, khó khăn lớn nhất là thiếu vốn. Do đặc thù của các tổ chức KH-CN hoạt động theo cơ chế Nghị định 115/2005/NĐ-CP, tài sản chủ yếu là chất xám và thiết bị, về nguyên tắc không thể sử dụng tài sản như đất đai thế chấp vay vốn. Vì vậy, hầu hết các viện không vay vốn được từ phía ngân hàng. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa được khai thác, không thể đưa vào liên doanh, liên kết, tạo nguồn thu bổ sung kinh phí, nên nguồn vốn thiếu càng thêm thiếu.
5 giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động
Để các tổ chức KH - CN Bộ Công Thương thực sự phát huy hiệu quả hoạt động, tại Hội nghị "Tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế quản lý, hoạt động và tổ chức KH - CN" được tổ chức mới đây, Bộ Công Thương đã đưa ra 5 giải pháp cơ bản nhằm tháo gỡ những rào cản về chính sách, nhất là thu xếp vốn. Thứ nhất, đề nghị Chính phủ có cơ chế hình thành và gắn các chương trình KH-CN với chương trình phát triển kinh tế - xã hội, dự án trọng điểm của đất nước. Tháo gỡ khó khăn về chính sách để sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, các viện được bình đẳng trong đầu tư phát triển từ nguồn vốn ngân sách nhà nước; được miễn giảm thuế khi sản xuất thử, vay vốn ngân hàng, tạo vốn lưu động phục vụ cho các hoạt động sản xuất, chuyển giao công nghệ. Thứ hai, đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể để thực hiện Nghị định 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH-CN. Đặc biệt, hướng dẫn thực hiện phương thức cổ phần hóa, bán cổ phần tại các tổ chức KH-CN trực thuộc Bộ. Lưu ý đến tính đặc thù của các viện nghiên cứu là đơn vị phục vụ nghiên cứu, không có khả năng tạo doanh thu. Hướng dẫn cụ thể cho phép viện chuyển thành mô hình công ty mẹ - công ty con. Trong đó có một số công ty con hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuyển giao công nghệ hoặc là trung tâm nghiên cứu phát triển. Thứ ba, tiếp tục nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý KH - CN theo hướng gắn kết chặt chẽ về trách nhiệm và quyền lợi của nhà nghiên cứu và nhà sản xuất. Làm rõ cơ chế quản lý và phối hợp đồng bộ giữa Bộ KH - CN với Bộ quản lý ngành trong việc xây dựng kế hoạch, xét duyệt, tuyển chọn chương trình, đề tài, đề án cấp Nhà nước, cấp Bộ. Thứ tư, đổi mới cơ chế quản lý tài chính trong thực hiện các nhiệm vụ KH-CN nói riêng theo hướng giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thông thoáng hơn cho nhà khoa học. Điều chỉnh định mức chi cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Xem xét, bổ sung các cơ chế và định mức chi cho các chuyên gia nước ngoài trong thực hiện nhiệm vụ KH-CN. Thứ năm, nâng cấp đầu tư trang thiết bị cho tổ chức KH-CN. Xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và có chính sánh đãi ngộ hợp lý.
Nhật Quang