Hòa Bình: Cây thoát nghèo ở xã đặc biệt khó khăn Ngổ Luông
Loài cây “không bỏ thứ gì”
Trong những ngày lưu lại tìm hiểu, khám phá xã Ngổ Luông (xã vùng 3 đặc biệt khó khăn) của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì nơi đây người người, nhà nhà đều trồng cây măng lành hanh (thuộc họ tre) với thân thẳng tắp, cao hàng chục mét. Dọc 2 bên đường dẫn vào trung tâm xã là những đồi măng bạt ngàn, xanh mướt.
Người dân xã Ngổ Luông, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã thoát nghèo nhờ trồng cây măng lành hanh, tạo nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế, cải thiện cuộc sống |
Dẫn chúng tôi đến thăm căn nhà sàn khang trang mới xây dựng, anh Bùi Văn Kiêm (xóm Luông Dưới, xã Ngổ Luông) phấn khởi nói: “Giờ bà con Ngổ Luông ai cũng trồng cây măng lành hanh vì có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, khi trồng loại cây này sẽ tận dụng được gần như tuyệt đối, không phải bỏ bất cứ thứ gì. Nhờ trồng cây măng lành hanh, gia đình tôi có thu nhập ổn định, xây được nhà mới, vươn lên thoát nghèo”.
Theo anh Kiêm, cây măng lành hanh có thể thu hoạch quanh năm và gần như không mất công chăm bón. Thời điểm sau khi ra Tết, trong tháng 3 này, người dân bắt đầu thu hoạch mụn măng để bán cho thương lái. Vào khoảng tháng 6, bẹ măng dày hơn sẽ tiếp tục được thu để làm nguyên liệu sản xuất nón nên rất có giá trị kinh tế.
Đặc biệt, sau khi cây măng cứng cáp, trưởng thành sẽ được chặt để sản xuất mành tre hoặc cắt thành từng đoạn để bán xuống dưới xuôi đóng nền cho các dự án với giá từ 4 - 5 nghìn đồng mỗi mét. Thời điểm cận Tết, sẽ chọn những cây lành hanh đẹp nhất, vừa đủ độ cao để làm cây nêu bán vào miền Nam. Về phần lá cây sẽ thu để dự trữ làm thức ăn cho trâu, bò.
Dọc con đường dẫn vào trung tâm xã Ngổ Luông (huyện Tân Lạc) là những đồi măng lành hanh bạt ngàn, xanh mướt |
Còn anh Bùi Văn Duẩn, Trưởng xóm Luông Dưới cho biết, cây măng lành hanh đã có ở xã Ngổ Luông từ bao đời, nhưng bà con không nhân rộng. Từ khi được Nhà nước đầu tư xây dựng con đường bê tông mới dẫn vào trung tâm xã, vài năm gần đây, việc đi lại trở nên thuận tiện, giao thương phát triển, có nhiều thương lái đến tìm mua, đặt hàng các sản phẩm được tạo ra từ cây măng lành hanh. Thấy có giá trị, người dân bắt đầu rủ nhau mở rộng trồng loại cây này. Ước tính, chỉ cần trồng khoảng 1 ha cây măng lành hanh thì có thể đạt thu nhập khảng 50 – 60 triệu đồng/năm.
Nhân rộng cây măng lành hanh kết hợp chăn nuôi
Ông Bùi Văn Thiết, Bí thư Đảng ủy xã Ngổ Luông thông tin, Ngổ Luông là xã vùng cao còn nhiều khó khăn của huyện Tân Lạc, cách trung tâm huyện 30 km, độ cao trung bình khoảng 850 m so với mực nước biển. Toàn xã có 4 xóm với 351 hộ và 1.650 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50%.
Cây măng lành hanh được người dân ở xã Ngổ Luông gọi là cây thoát nghèo |
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng Ngổ Luông là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế trong sản xuất, chăn nuôi nhất là việc trồng cây măng lành hanh, nuôi trâu, bò và lợn đen bản địa.
Ngoài ra, việc phát triển du lịch cũng được quan tâm, chú trọng bởi Ngổ Luông có độ che phủ rừng cao, khí hậu trong lành, cảnh sắc thiên nhiên còn giữ được nhiều nét hoang sơ, bà con chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Mường, Dao nên có nền văn hóa đặc sắc, phù hợp phát triển du lịch cộng đồng. Đặc biệt, trên địa bàn xã còn bảo tồn được quần thể 11 cây nghiến có tuổi đời hàng nghìn năm vừa được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2023.
Cây măng lành hanh có thể thu hoạch quanh năm và gần như không mất công chăm bón |
Theo Bí thư Đảng ủy xã Ngổ Luông, hiện người dân trong xã chăn nuôi chủ yếu là gia súc, gia cầm với khoảng hơn 1.400 con trâu, trên 160 con dê và đàn gia cầm khoảng 45 nghìn con. Riêng lợn có hơn 1.200 con với khoảng 70% là giống lợn đen bản địa. Nuôi lợn đen bản địa không chỉ phù hợp với điều kiện của địa phương, mà trong thời điểm giá lợn xuống thấp như thời gian qua, lợn đen vẫn được giá, đầu ra ổn định.
Người dân xã Ngổ Luông có thu nhập ổn định nhờ trồng cây măng lành hanh |
Bí thư Đảng ủy xã Ngổ Luông cho biết, thời gian tới Đảng ủy, UBND xã Ngổ Luông sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, quan tâm phát triển du lịch cộng đồng. Nhất là việc mở rộng diện tích trồng cây măng lành hanh theo hướng hàng hóa, chú trọng tính bền vững, bảo vệ môi trường… góp phần cải thiện kinh tế, nâng cao thu nhập để người dân có cuộc sống đủ đầy, vươn lên thoát nghèo.