Giá trị của liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hóa
Câu chuyện này được chính doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo “Giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp” vừa diễn ra tại Thái Bình cho thấy, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đã cộng hưởng sức mạnh để cùng phát triển, từng bước nâng cao thương hiệu và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Ông Lý Thái Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc cho biết, để chủ động nguồn nguyên liệu, công ty luôn duy trì ổn định sự liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, Viện Di truyền nông nghiệp đưa các giống lúa mới vào sản xuất, hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn kỹ thuật cho các xã triển khai dự án nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng và hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Từ đó, góp phần chuyển dịch sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hiện đại, hiệu quả, khép kín từ khâu gieo trồng đến tiêu thụ sản phẩm, tạo ra sản phẩm gạo an toàn, chất lượng, phục vụ nội địa và xuất khẩu, mang lại lợi ích cho người nông dân.
Hội thảo Giải pháp phát triển thương mại dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp. Ảnh: Cấn Dũng |
Mỗi năm Công ty Hưng Cúc thu mua hàng chục ngàn tấn lúa thông qua các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các đại lý của công ty. Do có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng, những năm qua, công ty đã ký kết được hợp đồng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Cộng hòa Séc… và là đối tác quan trọng của các đơn vị trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Đồng thời phát triển được các sản phẩm như gạo T10 – Tiền Hải, gạo Hoàng Cung… được người tiêu dùng đón nhận.
“Đặc biệt, công ty là đơn vị duy nhất tại miền Bắc đáp ứng đủ các điều kiện, tiêu chuẩn xuất khẩu nông sản trực tiếp vào thị trường Trung Quốc - theo đánh giá của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ)” - ông Lý Thái Hưng nói.
Cũng xoay quanh câu chuyện liên kết, hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp, bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc Phát triển kinh doanh Tập đoàn Central Group Việt Nam - cho hay, hiện nay tỷ lệ hàng Việt đang kinh doanh tại các siêu thị Big C Việt Nam và GO! được duy trì ổn định. Để có được điều này, thời gian qua, chúng tôi đã trao quyền cho đội ngũ quản lý cấp vùng/địa phương của Big C để nhanh chóng thực hiện mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm vùng miền từ các nhà cung cấp địa phương trên cả nước.
“Chúng tôi thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã; cung cấp thông tin và tín hiệu thị trường để người nông dân dựa vào đó lên kế hoạch sản xuất, tránh lâm vào tình trạng được mùa mất giá” - bà Phạm Thị Thùy Linh chia sẻ và thừa nhận, mặc dù thu mua trực tiếp từ các hộ nông dân khó khăn hơn rất nhiều so với các nhà cung cấp lớn, tuy nhiên, thu mua nông sản tại vùng miền địa phương gần vị trí siêu thị sẽ giúp hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội tại địa phương, giới thiệu, quảng bá nông sản địa phương tươi ngon đến với người tiêu dùng.
“Với vai trò là kênh phân phối cuối cùng đến tay người tiêu dùng, Big C và GO! luôn sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ nông dân và hợp tác xã nông nghiệp… trong việc thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu bằng các chương trình hành động thiết thực, cũng như chủ động cam kết giữ vững tỷ lệ hàng Việt trong mảng kinh doanh thực phẩm ở mức trên 90%” - bà Phạm Thị Thùy Linh khẳng định.
Cần tăng cường hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm |
Thực tế cho thấy, việc tổ chức liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác và doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt hơn so với sản xuất truyền thống. Theo một nghiên cứu, ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ha lúa tham gia trong cánh đồng lớn có thể giảm chi phí sản xuất từ 10-15% và giá trị sản lượng có thể tăng 20-25%, thu lời thêm từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha. Hay, ở miền Bắc, các mô hình cánh đồng lớn cho hiệu quả kinh tế tổng thể trên 1 ha lúa thấp hơn so với đồng bằng sông Cửu Long, giá trị sản lượng tăng trung bình từ 17-25% tùy theo từng địa phương…
Tuy nhiên, hiện nay liên kết trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị còn ít và ngắn. Sự hạn chế trong hình thành mối liên kết đã dẫn đến hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án quy mô lớn, công nghiệp hiện đại. Đặc biệt là hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, ổn định đầu ra…
Có câu: “Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy cùng đi”. Việc kết hợp các thế mạnh khác nhau, liên kết với nhau, giúp gây dựng nền tảng thương hiệu và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cần sự chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm, thương mại, dịch vụ. Các doanh nghiệp cũng cần phát huy nội lực, chủ động sáng tạo, đồng hành và chung tay cùng các cơ quan quản lý để ngày càng phát triển…