Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam ra mắt Chi hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long
Hội nghị có sự tham gia của gần 200 đại biểu, trong đó có các đại biểu là hội viên VALOMA đến từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị ra mắt Chi hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và kết nạp hội viên mới của VALOMA |
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Trưởng ban Hội viên VALOMA đã công bố Quyết định của Chủ tịch Hiệp hội về việc thành lập Chi hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại hội nghị, có 15 hội viên tập thể và 7 hội viên cá nhân đã được kết nạp vào Hiệp hội, đồng thời tham gia hoạt động trong khuôn khổ Chi hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh nhấn mạnh, với tốc độ tăng trưởng mạnh của ngành logistics, tiềm năng phát triển và nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành logistics hiện nay và trong những năm tới được dự báo ngày càng tăng trưởng.
Trà Vinh là một tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, có thế mạnh để phát triển kinh tế biển, các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, do vậy nhu cầu nhân lực logistics trong thời gian tới sẽ trở nên cấp thiết.
Theo ông Dương Quang Khánh, Tổng Thư ký VALOMA, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics và cung cấp giải pháp để thúc đẩy phát triển logistics trong vùng, Hiệp hội đã phối hợp với Trường đại học Trà Vinh, các trường và doanh nghiệp trong khu vực để xúc tiến thành lập chi hội tại đây.
Đây cũng là một bước đi cụ thể của Hiệp hội nhằm thực hiện sứ mệnh gắn kết nhà trường, doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS. TS. Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Trà Vinh cho biết, trường đã thành lập Trung tâm đào tạo logistics và Thương mại điện tử nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo và cung ứng nhân lực phát triển logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long và nhận được sự ủng hộ cao của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam và Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Trà Vinh. Đây là bước đi tiên phong của Đại học Trà Vinh trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực của ngành logistics hiện nay.
Tại hội nghị, các chuyên gia của Hiệp hội và doanh nghiệp đã trình bày tham luận về phương hướng hoạt động của chi hội, xây dựng nền tảng số và ứng dụng công nghệ thực tế ảo để đáp ứng nhu cầu thực hành, thực tập, kế hoạch nâng cao chất lượng, nghiệp vụ chuyên môn cho giảng viên trong thời gian tới.
Các đại biểu tham dự hội nghị cũng đã chia sẻ ý kiến để giúp chi hội có những giải pháp phát triển đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.