Thái Bình: Làng nghề thực hiện tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Hà Nội: Công nhận Trung tâm thiết kế sáng tạo, làng nghề gắn với phát triển du lịch xã Phú Nghĩa |
Thành tích nổi bật
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029, diễn ra chiều 16/8, ông Trịnh Quốc Đạt – Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã báo cáo thành tích nhiệm kỳ IV (2018-2023) và phương hướng công tác nhiệm kỳ V (2024-2029) của Hiệp hội,
Theo đó, trong nhiệm kỳ IV vừa qua, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã hoạt động tốt trên nhiều mặt, đặc biệt nỗ lực thực hiện 6 chương trình đề ra: Chấn hưng và phát triển làng nghề; văn hóa du lịch làng nghề; xúc tiến thương mại, thông tin, đối ngoại.
Các chương trình hành động, hoạt động của Hiệp hội đều gắn với các chương trình của Nhà nước như: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” và Chương trình “Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”…
Ông Trịnh Quốc Đạt- Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam báo cáo tại Đại hội. Ảnh: Thanh Tuấn |
Thực hiện và phát huy Nghị quyết Đại hội IV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, xuyên suốt và là phương hướng hoạt động của Đại hội V: “Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Đổi mới Sáng tạo - Hội nhập Quốc tế”.
Một trong những công tác quan trọng của Hiệp hội nhiệm kỳ vừa qua là công tác phản biện xã hội. Hiệp hội coi trọng việc tham gia đóng góp ý kiến với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Nhà nước trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề như tham gia góp ý xây dựng Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Luật Bảo tồn và Phát triển làng nghề; Luật Bảo vệ Môi trường; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự thảo sửa đổi Nghị định 66/2006/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định sửa đổi, bổ sung về quy định phong tặng nghệ nhân Quốc gia; báo cáo hiện trạng Môi trường Quốc gia.
Công tác xúc tiến thương mại, cũng được Hiệp hội phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, ban, ngành ở Trung ương và các địa phương: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Dương... tổ chức nhiều sự kiện như: Hội chợ, triển lãm, trưng bày sản phẩm, liên hoan văn hóa du lịch, hội thảo chuyên đề, hội nghị khách hàng, kết nối cung cầu giữa các làng nghề, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ. Các sự kiện đều được tổ chức thành công, đạt hiệu quả, qua đó tạo được sự tin tưởng của các hội viên và đối tác.
Các công tác khác như: Khoa học công nghệ và đào tạo; hoạt động đối ngoại; công tác truyền thông… cũng được Hiệp hội phối hợp triển khai đạt hiệu quả cao.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng nhấn mạnh, Hiệp hội đã thực hiện theo đúng tôn chỉ, mục đích của Điều lệ, tập hợp đoàn kết các làng nghề, các tổ chức kinh tế văn hóa, các nghệ nhân trong làng nghề, phố nghề, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà văn hóa, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo để cùng các cơ quan quản lý Nhà nước khôi phục, phát triển làng nghề...
Qua những hoạt động sôi nổi, sâu rộng, uy tín và sức lan tỏa của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam được nâng cao; các cơ quan quản lý Nhà nước, báo chí, truyền thông tôn trọng và ghi nhận; nhiều tổ chức xã hội - nghề nghiệp đánh giá cao; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghệ nhân, thợ giỏi, thợ thủ công làng nghề tín nhiệm, tin cậy, coi là mái nhà chung của cộng đồng làng nghề cả nước…
Nhiều nhiệm vụ lớn trong nhiệm kỳ mới
Ông Trịnh Quốc Đạt cũng nhấn mạnh, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V (Đại hội V) diễn ra trong bối cảnh đất nước đang bước sang thời kỳ mới của quá trình phát triển, thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Cộng đồng làng nghề cũng bước sang thời kỳ mới để phù hợp với quá trình phát triển của đất nước, tập trung nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, khẳng định và nâng cao giá trị văn hóa, du lịch trong sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, đáp ứng yêu cầu cao hơn của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2024-2029. Ảnh: Thanh Tuấn |
Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng tình hình kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều vấn đề phức tạp. Do đó, Đại hội V có ý nghĩa quan trọng nhằm đưa Hiệp hội phát triển bền vững trong bối cảnh mới, đáp ứng nguyện vọng và niềm tin tưởng của hội viên và cộng đồng làng nghề cả nước trong tình hình hiện nay.
Trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội tập trung triển khai những hoạt động trọng tâm. Trong đó, triển khai Chương trình hành động thực hiện Quyết định 801/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030” và Chiến lược Bảo tồn và Phát triển làng nghề. Cụ thể, xây dựng quy hoạch tổng thể các làng nghề truyền thống trong phạm vi cả nước; xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cho các làng nghề truyền thống; xây dựng nguồn nhân lực cho các làng nghề truyền thống; phát triển làng nghề truyền thống gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái; đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, đưa văn hóa Việt, sản phẩm làng nghề Việt ra quốc tế. Chú trọng tăng cường hợp tác với những mối quan hệ truyền thống và mở ra những mối quan hệ quốc tế mới…
Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IV Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: “Kết nối cộng đồng Làng nghề - Bảo tồn Văn hóa - Phát triển Du lịch - Đổi mới Sáng tạo - Hội nhập Quốc tế”. Đẩy mạnh hoạt động gắn kết Hiệp hội với hội viên.
Để triển khai tốt những nhiệm vụ trên thông qua quá trình tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, kiện toàn tổ chức Hiệp hội, nâng cao khả năng chỉ đạo của Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.
Hiệp hội xây dựng các mô hình hợp tác 3 bên: Trung ương Hiệp hội - Chính quyền địa phương - làng nghề với Trung ương Hiệp hội là hạt nhân, Chính quyền địa phương là bệ đỡ và làng nghề được thụ hưởng thành quả để thúc đẩy phát triển làng nghề.
Tiếp tục thực hiện 6 chương trình hoạt động đã đề ra, nâng cao chất lượng và hiệu quả các chương trình. Thúc đẩy việc thành lập các hội, hiệp hội làng nghề ở địa phương, cùng có và phát triển các văn phòng đại diện để đúng nghĩa “cánh tay nối dài” của Hiệp hội ở các khu vực, qua đó thúc đẩy việc phát triển hội viên và lan tỏa uy tín, sự ảnh hưởng của Hiệp hội. Đẩy mạnh liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, thiết kế mẫu mã mới, sản xuất an toàn vào làng nghề để có những sản phẩm mẫu mã đẹp, an toàn, hàm lượng văn hóa cao, phù hợp với chuẩn quốc tế….
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cũng đề xuất, Nhà nước xem xét và có ý kiến với các cơ quan quản lý về việc xây dựng và ban hành “Luật bảo tồn và phát triển làng nghề”; cho phép lấy ngày 20/02/1959, ngày Hồ Chủ tịch về thăm Làng gốm cổ truyền Bát Tràng, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội là “Ngày làng nghề Việt Nam”.
Các cơ quan quản lý Nhà nước có ý kiến chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho làng nghề: giải pháp xử lý môi trường, mặt bằng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm làng nghề; có kế hoạch, chương trình cụ thể phát huy vai trò, cống hiến phát triển ngành nghề của các thế hệ nghệ nhân, nhất là nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú cấp Nhà nước sau khi được phong tặng danh hiệu; có chính sách hỗ trợ về vốn, mặt bằng và thông tin để làng nghề tiếp tục phát triển.