Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời châu Âu tìm cơ hội đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam
Đây là thông tin được ông Máté Heisz - Giám đốc phụ trách toàn cầu, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Châu Âu (Solar Power Europe) đưa ra tại chương trình làm việc với Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam.
Theo ông Máté Heisz - Giám đốc phụ trách toàn cầu, Solar Power Europe, Việt Nam là thị trường tiềm năng để phát triển điện mặt trời. Trong những năm qua, điện mặt trời tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh, rất nhiều thành viên thuộc Solar Power Europe đã đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam.
“Hiện nay nhiều thành viên thuộc hiệp hội đã hoạt động tại Việt Nam, nhiều thành viên khác thì đang khám phá thị trường. Trong thời gian tới, Solar Power Europe đặt mục tiêu tìm kiếm các cơ hội đầu tư tập trung tại Việt Nam”, ông Máté Heisz nhấn mạnh.
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ về tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, đầu tư điện mặt trời giữa Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam và Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời Châu Âu |
Cũng theo ông Máté Heisz, ngoài việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ nhằm tăng cường chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, đầu tư để gắn kết các thành viên giúp hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi.
Ông Đào Du Dương – Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam bắt đầu phát triển từ năm 2017 và phát triển khá nhanh trong thời gian qua.
Một trong những lý do khiến năng lượng tái tạo luôn hấp dẫn nhà đầu tư thời gian qua là việc Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 đạt tỉ lệ công suất điện tái tạo chiếm 45% công suất toàn hệ thống. Điều này cho thấy, hướng phát triển của ngành năng lượng Việt Nam theo hướng năng lượng tái tạo. Dự kiến, nguồn lực cần có để thực hiện chương trình phát triển nguồn điện và lưới điện khoảng 14 tỉ USD và để đáp ứng yêu cầu này cần có sự tham gia của các nhà đầu tư.
Ông Đào Du Dương - Trưởng Văn phòng Đại diện Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc |
Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Theo đó, Việt Nam dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát khí thải nhà kính.
Mặc dù vậy, song điện mặt trời vẫn là ngành non trẻ nên rất cần được chia sẻ về kinh nghiệm hợp tác, phát triển. Hiện nay các doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn, công nghệ và vấn đề về quản lý vận hành. Chính vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn được hợp tác, chia sẻ cùng nhau để phát triển lớn mạnh hơn.