Hiệp định RCEP: Thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam sang Hàn Quốc Hiệp định RCEP: Góp phần gia tăng kim ngạch thương mại Việt Nam – Nhật Bản |
Cơ hội gia tăng xuất khẩu thuỷ sản
Là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, Australia được đánh giá là thị trường tiềm năng trong những năm trở lại đây. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính tới 15/11/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia đạt hơn 198 triệu USD, giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù xuất khẩu tôm sang thị trường này chưa tăng, nhưng mức giảm vẫn nhẹ hơn so với tốc độ giảm sang các thị trường chính như EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
Tôm là một trong những loại thuỷ sản được thị trường Australia ưa chuộng |
Bộ Công Thương thông tin, Hiệp định RCEP có hiệu lực mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực.
Đồng thời giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới. Trong đó, xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định RCEP (chiếm 63,5% thị phần xuất khẩu thủy sản của Việt Nam) bao gồm ASEAN, Hàn Quốc (9,2%), Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… Đáng chú ý, Australia dù không phải là thị trường quá lớn, song là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về tiêu chuẩn chất lượng. Do đó, việc xuất khẩu được tôm nói riêng và thuỷ sản nói chung vào Australia sẽ tạo điều kiện để xuất khẩu mạnh sang nhiều thị trường khác ngoài Australia.
Tôm là sản phẩm thuỷ sản được thị trường Australia ưa chuộng. Trong 5 năm trở lại đây, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Australia tăng trưởng liên tục từ 127 triệu USD năm 2019 lên 272 triệu USD năm 2022 với tỷ trọng trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng từ 3,7% năm 2019 lên 6,3% năm 2022.
Tôm chân trắng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sản phẩm tôm của Việt Nam xuất sang Australia, chiếm 95%, tôm sú chiếm tỷ trọng nhỏ 0,2%, còn lại là tôm loại khác chiếm 4,8%. Trong tổng các sản phẩm tôm xuất khẩu sang Australia, tôm chế biến giá trị gia tăng (mã HS 16) chiếm 40% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm tôm sang thị trường này. Các sản phẩm tôm chế biến xuất đi thị trường này chủ yếu như há cảo tôm, sủi cảo tôm gừng, tôm thẻ thịt duỗi tẩm bột chiên đông lạnh, tôm thẻ xiên que đông lạnh…
Người Australia ngày càng ưa dùng tôm Việt Nam, từ nhà hàng cho hệ thống siêu thị lớn của Australia cho đến các cửa hàng, siêu thị tiện ích… Thế mạnh của tôm Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường này không chỉ ở chất lượng, khả năng cung ứng, mà còn do trình độ chế biến hàng giá trị gia tăng.
Theo VASEP, Australia cũng đang có xu hướng giảm nhập khẩu từ Thái Lan, Trung Quốc - các đối thủ chính của tôm Việt Nam trên thị trường này. Hiện Australia nhập nhiều các sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng trong khi trình độ chế biến của Thái Lan chưa cao bằng Việt Nam.
Không giống như những thị trường khác, thị trường Australia chỉ nhập khẩu tôm từ khoảng hơn 10 nước trên thế giới. Australia có xu hướng thu hẹp thị trường và tập trung nhập khẩu từ các thị trường chính. Đây là một trong những lợi thế cho các nước cung cấp tôm hàng đầu cho Australia trong đó có Việt Nam.
Để sản phẩm chiếm lĩnh tốt thị trường
Thương vụ Việt Nam tại Australia, để đảm bảo xuất khẩu thủy sản vào quốc gia này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng của thị trường Australia. Đầu tiên các doanh nghiệp cần lưu ý về thuế hải quan.
Thuế nhập khẩu tại Australia được tính bởi giá của hàng hóa đã được đóng vào container và được chuyển lên sàn tàu tại cảng xuất hàng, cước vận tải và phí bảo hiểm nội địa cho tới địa điểm cuối cùng tại cảng xuất khẩu được bao gồm trong tổng giá tính thuế.
Để xác định được giá trị lô hàng nhập khẩu ghi bằng đồng ngoại tệ sang đồng AUD, hải quan Australia sử dụng tỉ giá hối đoái tương ứng vào thời điểm xuất hàng.
Bên cạnh đó, thủy sản nhập khẩu vào Australia cần phải đảm bảo tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ các quy định về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015.
Đồng thời, mặt hàng thủy sản cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo Luật kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia-Newzealand. Trong đó, có các yêu cầu cụ thể về nhãn mác, bao bì, các yêu cầu đối với chất phụ gia và gia vị thực phẩm, các yêu cầu về các chất tồn dư và các chất gây ô nhiễm thực phẩm, các yêu cầu về chế biến và hạn mức sinh học...
Đáng chú ý, nhu cầu các sản phẩm tôm chế biến của thị trường Australia khá cao. Do vậy, doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang thị trường này cần chú trọng xây dựng thương hiệu, cung cấp các sản phẩm với xuất xứ rõ ràng liên tục đổi mới và có giá trị gia tăng cao.