Hiệp định EVFTA - khơi thông dòng chảy cho hàng Việt Nam vào thị trường Pháp
Hiệu quả từ các Tuần hàng Việt Nam tại Pháp
Am hiểu về thị trường, về văn hóa, mô hình và tập quán kinh doanh, với lợi thế xây dựng được những mối quan hệ gắn kết giữa các nhà nhập khẩu, phân phối, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã phối hợp cùng với các đối tác xây dựng chương trình tổng thể trung và dài hạn trong việc quảng bá, lan tỏa văn hóa, ẩm thực và hàng hóa Việt Nam tới đông đảo người tiêu dùng tại Pháp.
Một trong những hoạt động nổi bật mà Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai trong thời gian qua đó là việc tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp thông qua các hệ thống đại siêu thị thuộc các tập đoàn bán lẻ lớn nhất Pháp như: Carrefour, E.Leclerc và Sys U… Qua các Tuần hàng Việt Nam tại Pháp, người tiêu dùng nước sở tại đã biết đến hàng Việt Nam nhiều hơn.
Một trong những hoạt động nổi bật mà Thương vụ Việt Nam tại Pháp triển khai trong thời gian qua đó là tổ chức chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp thông qua các hệ thống đại siêu thị của nước này. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại thị trường Pháp |
Ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, 2021 là năm đầu tiên Thương vụ khai thông thị trường hoa quả tươi Việt Nam vào Pháp, đặc biệt đối với quả vải, nhãn tươi. Cùng năm, dưới sự hỗ trợ của Thương vụ, sản phẩm hoa quả đóng hộp cũng lần đầu tiên thâm nhập vào hệ thống siêu thị tại Pháp.
Tiếp đến, năm 2022, bằng việc đổi mới cách tiếp cận, quảng bá, lần đầu tiên, sản phẩm gạo Việt Nam cũng đã hiện diện trên kệ của các đại siêu thị Pháp. Và năm 2023 là bản lề để Thương vụ tiếp tục triển khai các hoạt động sâu và rộng hướng tới Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng phân phối nước ngoài với hàng loạt Tuần hàng được tổ chức tại những đại siêu thị lớn nhất tại Pháp như: Tuần hàng Tết Nguyên đán Việt Nam tại hệ thống phân phối Carrefour, Tuần hàng Tết Trung thu Việt Nam tại hệ thống phân phối E.Leclerc, Tuần hàng giới thiệu gạo thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên tại Pháp...
Trong năm 2024, phát huy sáng kiến chung tay quảng bá, lan tỏa hình ảnh văn hóa, hàng hóa Việt Nam tại Pháp, Thương vụ đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một chương trình tổng thể quảng bá xúc tiến trái vải Việt Nam.
“Một lần nữa, với nỗ lực của Thương vụ, trái vải Việt Nam lại đạt mốc mới trong giá trị xuất khẩu vào thị trường này với gần 20 tấn, gần như toàn bộ được nhập khẩu và phân phối bởi các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam” - Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Pháp Vũ Anh Sơn thông tin và nhấn mạnh, đây là kết quả của mô hình hợp tác ba bên giữa nhà phân phối bán lẻ, nhà nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam thông qua cầu nối là Thương vụ Việt Nam tại Pháp, với sự chỉ đạo của Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và sự phối hợp của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) được triển khai theo Đề án Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các kênh phân phối nước ngoài giai đoạn đến 2030.
Mô hình hợp tác đã thành công đưa gạo thương hiệu Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trên các kệ hàng của hai đại siêu thị lớn nhất tại Pháp là E.leclerc và Carrefour. Tiếp đến là gia vị Việt Nam cũng được đưa lên kệ hàng tới tay người tiêu dùng Pháp với thương hiệu Dh Foods.
Hiện Thương vụ Việt Nam tại Pháp tiếp tục phối hợp với các đối tác để mang lại nhiều hơn nữa sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới tay người tiêu dùng bản địa. Hàng hóa Việt Nam sẽ dần được đưa vào thị trường Pháp với thương hiệu của chính doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu đánh giá về ý nghĩa, vai trò của các Chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp. Ảnh: TTXVN |
Từng phát biểu đánh giá về ý nghĩa của chương trình Tuần hàng Việt Nam tại Pháp tổ chức tại hệ thống siêu thị Carrefour (Pháp), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng sự kiện này chính là “viên gạch đầu tiên cho cầu nối quan trọng, đưa hàng hóa Việt Nam đến với người tiêu dùng Pháp” và “Carrefour không đơn thuần là kênh phân phối hàng hóa đa dạng mà còn là kênh lan tỏa văn hóa ẩm thực, hương vị Việt Nam”.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Tuần hàng Việt Nam tại Pháp không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với hàng hóa Việt Nam mà còn mở đường để Carrefour phát triển phân khúc thị trường rất tiềm năng, dành cho người tiêu dùng Pháp ưa chuộng sản phẩm châu Á.
Tận dụng tốt hơn ưu đãi từ EVFTA
Cũng theo Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Pháp, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã và đang mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm Việt Nam gia tăng sự hiện diện tại thị trường Pháp nói riêng và EU nói chung. Hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Pháp luôn tạo dấu ấn trong quan hệ thương mại với những con số xuất khẩu ấn tượng.
Ông Vũ Anh Sơn cho biết, xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc kể từ sau đại dịch Covid. Số liệu thống kê từ Trademap, trong năm 2023, Việt Nam là nguồn cung hàng hoá lớn thứ 22 của Pháp, chiếm tỷ trọng 0,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Pháp.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Pháp năm 2023 đạt 4,81 tỷ USD, giảm 9,88% so với năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 3,17 tỷ USD, giảm 14,2% so với năm 2022; nhập khẩu đạt 1,63 tỷ USD, giảm 0,11% so với năm 2022.
6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Pháp đạt 1,5 tỷ USD, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng xuất khẩu sang Pháp có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước đó: Gỗ và sản phẩm gỗ tăng 11,9%; hàng rau quả tăng 42%; cao su tăng 33%; gạo tăng 57,8%...
Đặc biệt, với việc EVFTA đi vào thực thi, quan hệ thương mại giữa hai nước đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.
Việt Nam đang xuất khẩu sang Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủy sản, máy móc thiết bị, linh kiện điện tử... Nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm...
Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16/143 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 674 dự án, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,81 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Pháp tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Thông tin và truyền thông, công nghiệp chế biến - chế tạo, sản xuất - phân phối điện khí nước điều hòa...
Để tăng cường xuất khẩu sang Pháp, việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn của EU là vô cùng cần thiết. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại thị trường Pháp |
Hiện nay, tiềm năng, dư địa thị trường Pháp vẫn còn rất lớn, song việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Pháp - một trong những nền kinh tế lớn của EU, đòi hỏi các chiến lược toàn diện và bài bản từ phía Việt Nam. Pháp không chỉ là một thị trường có nhu cầu cao về chất lượng sản phẩm mà còn có các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và xã hội.
Để tăng cường xuất khẩu sang Pháp, việc nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn của EU là vô cùng cần thiết. Các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng và bảo vệ môi trường của EU. Điều này không chỉ giúp tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Pháp mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.
Song song với việc tuân thủ các quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu, nhà cung cấp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực trong việc duy trì chất lượng hàng hóa để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và có thể cạnh tranh với hàng hóa đến từ nhiều quốc gia khác. Thực tiễn địa bàn cho thấy nhiều mặt hàng “đặc” Việt Nam như mít, thanh long và các loại rau tươi xanh thuộc vùng Đông Nam Á nay đã được bày bán tại các siêu thị tại Pháp với nguồn gốc xuất xứ từ các nước châu Phi.
“Xu hướng tiêu dùng này đề ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải có chiến lược phát triển quốc tế một cách bền vững, thông qua những hàng hóa có giá trị gia tăng cao” - ông Vũ Anh Sơn nêu rõ thực tế và đề nghị, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cao hệ thống quản lý chất lượng của các nhà máy bằng cách đạt được những chứng nhận quốc tế và tuân thủ các tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật, phẩm màu, phụ gia thực phẩm...
Đáng chú ý, việc tận dụng các ưu đãi từ EVFTA là yếu tố then chốt. EVFTA mở ra cơ hội để giảm thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ thông tin về các quy định và lợi ích mà hiệp định mang lại để có thể tối ưu hóa lợi thế này, từ đó thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pháp.
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại thị trường Pháp khẳng định, Thương vụ sẽ nỗ lực hơn nữa trong công tác tìm kiếm, khai thông thị trường; thúc đẩy xuất khẩu một số nhóm hàng nông, thủy sản tiềm năng của Việt Nam. Cùng với đó, tìm kiếm, kết nối, thu hút đầu tư trong các khâu sản xuất, cung ứng vật tư, vật liệu, thiết bị phục vụ phát triển ngành năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo...
Ngoài ra, Thương vụ cũng sẽ tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước, thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam; trong đó, ưu tiên kết nối hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng.
Cuối cùng, việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, để hiểu rõ và thích ứng với yêu cầu của thị trường Pháp là không thể thiếu. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp; tăng cường cải cách hành chính tạo điều kiện cho các doanh nghiệp châu Âu nói chung và các doanh nghiệp Pháp nói riêng để khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đến Việt Nam hợp tác, đầu tư, nhất là tận dụng lợi thế do EVFTA mang lại.