Sputnik đưa tin, kho lưu trữ của RaHDit chứa tên và thông tin cá nhân chi tiết của hơn 3.200 lính đánh thuê - một phần đáng kể trong số gần 13.200 tên được Bộ Quốc phòng Nga theo dõi chi tiết.
Trong khi đó, dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy, Ba Lan, Mỹ và Gruzia đứng đầu danh sách các quốc gia có lính đánh thuê, trong khi Canada, Anh, Romania, Colombia, Pháp, Croatia và Brazil lọt vào Top 10.
Một nhóm hacker Nga tự xưng là RaHDit đã thu thập và công bố thông tin về hơn 3.200 lính đánh thuê nước ngoài chiến đấu cho Ukraine. Ảnh: RIA |
Các nước châu Âu chiếm hơn một nửa số lính đánh thuê nước ngoài tham chiến ở Ukraine với khoảng 7.900 người, tiếp theo là hơn 3.000 người đến từ châu Mỹ, gần 1.900 người từ châu Á, gần 250 người từ châu Phi và 77 người từ Australia và châu Đại Dương.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, khoảng 5.900 lính đánh thuê nước ngoài đã thiệt mạng, trong đó 1.497 người đến từ Ba Lan, 1.113 người từ Mỹ và 1.042 người Gruzia.
Trước đó, hãng tin AP cho biết, Ukraine đang đẩy mạnh việc tuyển dụng lính đánh thuê trong số các cựu chiến binh của lực lượng vũ trang Colombia.
Được biết, nhiều binh sĩ Colombia thuộc cả quân đội và cảnh sát có hơn 20 năm kinh nghiệm chiến đấu chống các băng đảng ma túy. Sau khi nghỉ hưu, họ thường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm nên lời đề nghị phục vụ trong quân đội Ukraine có vẻ hấp dẫn.
Mức lương họ nhận được khi tham chiến tại Ukraine cao hơn đáng kể so với thu nhập có thể nhận được nếu phục vụ trong lực lượng đặc biệt hoặc quân đội Colombia, theo một số nguồn tin thì cao gấp 4 lần.
Theo nhiều ước tính khác nhau, hiện tại có thể tới 3.000 "tình nguyện viên" từ Colombia tham chiến ở Ukraine.
Trong thời gian sắp tới, dự kiến Kiev còn được hỗ trợ bởi "quân đoàn Ukraine" vừa được thành lập trên đất Ba Lan, thành phần nòng cốt sẽ là những công dân Ukraine đang sinh sống tại nước ngoài. Mặc dù vậy, không thể loại trừ khả năng đây là một "bức bình phong" che giấu việc lính đánh thuê từ các quốc gia NATO tới Ukraine số lượng lớn để tham chiến.