Hạt điều Bình Phước: Quyết tâm xây dựng thương hiệu quốc gia
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Nguyễn Văn Trăm phát biểu tại hội nghị |
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - Nguyễn Văn Trăm - cho biết, hội nghị với chủ đề “Ngành điều Bình Phước phát triển vì cộng đồng và xã hội” là dịp để các cơ sở, trang trại trồng điều; doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hạt điều nắm bắt cơ hội và nhận diện rõ những thách thức của thị trường để hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh. Hội nghị còn là cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước trực tiếp thương thảo, hợp tác làm ăn trong thời gian tới.
Bình Phước hiện có hơn 134.000ha trồng điều, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước, trong đó có 132.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt khoảng 150 ngàn tấn. Bình Phước hiện đã được Chính phủ quy hoạch là vùng nguyên liệu điều chính trên toàn quốc với diện tích 200.000ha vào năm 2020. Hạt điều Bình Phước đã được chọn để xây dựng thương hiệu quốc gia.
Theo ông Nguyễn Anh Hoàng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Phước, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Bình Phước năm 2016 đạt 500 triệu USD (1,6 tỷ USD), chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, các sản phẩm chế biến từ hạt điều của Bình Phước hiện nay chưa đa dạng, tỷ lệ sản phẩm là nhân hạt điều thô còn chiếm tỷ trọng cao nên giá trị gia tăng thấp. Tại Bình Phước, hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến điều đang hoạt động, trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Các doanh nghiệp hoạt động trong ngành điều đa phần có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất chưa đồng bộ. "Qua hội nghị này, các doanh nghiệp, trang trại nhìn lại năng lực của chính mình trong việc trồng trọt, sản xuất chế biến, xuất khẩu hạt điều. Đặc biệt về xây dựng thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm, ứng dụng công nghệ… để nắm bắt cơ hội mới, đồng thời tìm ra những thách thức, khó khăn nhằm kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước" - ông Nguyễn Anh Hoàng nhìn nhận.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc cũng chỉ ra rằng, trong canh tác các tiến bộ kỹ thuật mới chưa được ứng dụng đại trà, diện tích điều được chăm sóc theo đúng quy trình mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng diện tích đang thu hoạch, dẫn đến năng suất thấp và chất lượng sản phẩm chưa cao.
Nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu Phúc An tại thị xã Phước Long |
Để ngành điều phát huy hết tiềm lực trên vùng đất Bình Phước, Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác giao thương nhằm tạo động lực để các sản phẩm điều đa dạng hơn và mở rộng thị trường tiêu thụ. “Bình Phước kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế cho các doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực quản lý về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm để gia nhập thị trường thế giới. Đây cũng là nền tảng vững chắc về kỹ thuật để nâng cao uy tín doanh nghiệp, xây dựng và quản lý thành công thương hiệu của địa phương, thương hiệu quốc gia. Theo đó, Bình Phước cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách cho các nhà đầu tư hợp tác kinh doanh tại tỉnh nhà. Tỉnh cũng luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục cho các doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư và hợp tác kinh doanh. Để nâng cao vị thế của các sản phẩm điều Bình Phước, đề nghị các doanh nghiệp quan tâm hơn về đầu tư công nghệ, thiết bị; xây dựng thương hiệu; quản lý chất lượng sản phẩm liên kết với nông dân xây dựng vườn điều lớn; hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn nông dân sản xuất và bao tiêu sản phẩm” - ông Nguyễn Văn Trăm đề xuất.
Theo đánh giá của Vinacas, hạt điều của tỉnh Bình Phước đang được khách hàng trên thế giới ưa chuộng và đánh giá là loại hạt có chất lượng thuộc top đầu thế giới do có hương vị, chất lượng nổi trội hơn các vùng trồng điều khác. Bình Phước đang xây dựng các vùng điều canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ, không sử dụng hóa chất, từng bước thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng được nhu cầu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu. |