Hàng nghìn tấn dong riềng ra sao khi đóng cửa các cơ sở chế biến?
Hàng chục cơ sở chế biến dong riềng bị yêu cầu dừng hoạt động cũng là lúc hàng trăm hộ dân gặp khó khăn vì nông sản bán không ai mua.
Hàng nghìn tấn củ dong riềng của nông dân Điện Biên bán không ai mua vì các cơ sở chế biến dong riềng bị yêu cầu đóng cửa. Ảnh: Văn Thành Chương. |
Đầu tháng 11/2022, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại tất cả các cơ sở chế biến dong riềng. Sau đó, giao cho chính quyền xã yêu cầu toàn bộ các cơ sở chế biến không đủ điều kiện phải tạm dừng hoạt động để hoàn thiện thủ tục và hệ thống xử lý chất thải.
Tuy nhiên, theo một số cơ sở chế biến dong riềng, việc xin giấy phép bảo vệ môi trường gặp rất nhiều khó khăn vì không có quy chuẩn, không có hướng dẫn cụ thể. Mặt khác để đầu tư hệ thống xử lý chất thải cũng không thể làm kịp trong 1 thời gian ngắn.
Việc yêu cầu các cơ sở chế biến dong riềng dừng hoạt động khiến hàng trăm hộ dân tại khu vực xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ và nhiều địa phương trong tỉnh không thể tiêu thụ được nông sản.
Có mặt tại một số cơ sở chế biến, phóng viên chứng kiến nhiều người nông dân với vẻ mặt đầy bế tắc khi chở dong riềng hàng chục km từ xa đến nhưng không cơ sở chế biến nào mua.
Nhiều nông dân chở dong riềng đi bán nhưng các cơ sở chế biến không mua, mặc dù giá chỉ còn khoảng một nửa do với hơn 10 ngày trước. |
"Đang vụ thu hoạch lại bất ngờ phát lệnh cấm như thế này thì chúng tôi biết bán cho ai?" - một người dân bức xúc.
Đại diện lãnh đạo xã Nà Tấu - nơi được coi là "thủ phủ" của dong riềng cũng cho biết hiện chính quyền xã
cũng chưa biết phải làm thế nào, người dân liên tục gây áp lực, trong khi thành phố thì kiên quyết yêu cầu đóng cửa vì các cơ sở chế biến không đảm bảo.
"Tính riêng trên địa bàn xã Nà Tấu hiện có khoảng trên 300ha trồng dong riềng, đến nay người dân mới thu hoạch được khoảng 1/3 diện tích, vẫn còn khoảng 200ha dong riềng vẫn nằm trên ruộng. Chỉ cần gặp 1,2 trận mưa, số dong riềng này sẽ hỏng hết" - vị lãnh đạo nói.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cho rằng, từ nhiều năm qua, hầu hết các cơ sở chế biến chỉ tập trung vào khai thác lợi nhuận mà không chịu đầu tư hệ thống xử lý chất thải khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước năm nào cũng diễn ra, gây bức xúc trong dư luận.
"Các cơ sở chế biến dong riềng đã bị nhắc nhở và xử phạt nhiều lần nhưng chủ cơ sở vẫn không đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy định nên phải dừng hoạt động, không thể để tình trạng ô nhiễm kéo dài mãi từ năm này qua năm khác" - vị lãnh đạo nói.
Nước sông Nậm Rốm trong những ngày cuối tháng 10, khi các cơ sở chế biến dong riềng đang hoạt động. |
Trước đó, năm 2021, Báo Lao Động có nhiều bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại các cơ sở chế biến dong riềng. Sau đó lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cho biết sẽ đề xuất thành lập khu chế biến dong riềng tập trung để khắc phục tình trạng ô nhiễm nhiều năm qua.
Tuy nhiên, gần 1 năm sau, khu chế biến dong riềng tập trung vẫn chưa được triển khai và tình trạng ô nhiễm lại tái diễn. Hàng chục cơ sở chế biến dong riềng trên địa bàn xã Nà Tấu, TP Điện Biên Phủ tiếp tục xả thải ra sông Nậm Rốm gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Về vấn đề này, lãnh đạo TP Điện Biên Phủ cho biết: "Giải pháp lâu dài thành phố đã có chủ trương thành lập khu chế biến tập trung, tuy nhiên do một số lý do về kinh phí, quỹ đất và chưa tìm được nhà tư vấn phù hợp nên chưa triển khai được".
Khi được hỏi về giải pháp đối với hàng nghìn tấn dong riềng hiện nay không có chỗ tiêu thụ, có nguy cơ bị hỏng thì vị lãnh đạo thành phố Điện Biên Phủ chưa có câu trả lời.