Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP. Hồ Chí Minh và Sở Công Thương cũng như các quận huyện, TP. Thủ Đức đã tiến hành điều chỉnh phương thức hoạt động của 3 chợ đầu mối (Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức) giảm tối đa tiếp xúc trực tiếp ở chành và vựa.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, thông tin về cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân TP. Hồ Chí Minh tại buổi họp báo |
Cụ thể, trong quá trình cung ứng hàng hóa tại 3 chợ đầu mối, các thương nhân và thương lái của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành thay vì giao tiếp trực tiếp sẽ chuyển sang phương thức giao dịch qua thương mại điện tử, điện thoại, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho chợ truyền thống và các điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố (TP).
Trước sự khó khăn về điều chỉnh này, Sở Công Thương TP đã làm việc với các chuỗi cung ứng hiện đại và hệ thống các doanh nghiệp (DN) bình ổn trên địa bàn TP để bổ sung và gia tăng các loại hàng hóa để phục vụ cho người dân thông qua các kênh phân phối hiện đại.
Do đó, người dân không nên qua lo lắng vì trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 106 siêu thị cung cấp lương thực, thực phẩm, 112 cửa hàng chuyên doanh về thịt gia súc, gia cầm, 2.469 siêu thị mini và cửa hàng tiện ích. Cùng với đó là hơn 28.700 cửa hàng bách hóa bán lương thực, thực phẩm phục vụ cho người dân TP. Thủ Đức và các quận huyện.
Theo Giám đốc Sở Công Thương, lượng hàng dự trữ của các DN bình ổn, cùng với lượng hàng thông qua các tiểu thương hoạt động của 3 chợ đầu mối về TP. Hồ Chí Minh với khối lượng tương đối dồi dào. Đặc biệt, hệ thống các DN mua bán thông qua các siêu thị và cửa hàng tiện lợi hàng ngày cung ứng gần 2.000 tấn rau củ quả và lương thực, thực phẩm. Trong khi đó, các kênh còn lại qua cửa hàng và mạng lưới chợ truyền thống vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa trên địa bàn TP.
Ngành Công Thường TP. Hồ Chí Minh đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống dịch bệnh |
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ thừa nhận, trong những ngày gần đây người dân lo lắng về việc khi TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh về phương thức hoạt động 3 chợ đầu mối, ở một vài nơi người dân đổ xô đi mua tích trữ hàng hóa, tạo sự thiếu hụt cục bộ trong quá trình cung ứng hàng hóa, giá một số mặt hàng tăng 10%-15%.
Trước việc tập trung mua sắm tạo nên sự thiếu hụt nhất định, Sở Công Thương TP đã làm việc với các đơn vị cung ứng để tăng nguồn hàng lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu, để đảm bảo cung ứng đủ cho người dân mua sắm. Bên cạnh đó Sở cũng yêu cầu tăng thời gian hoạt động của các điểm bán hàng, tạo điều kiện và đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của người dân mua sắm trong giai đoạn này. Mặt khác, hiện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh có 127/234 chợ truyền thống đã ngưng hoạt động do có ca F0 hoặc không bảo đảm 5K, dẫn đến việc người dân đổ xô vào siêu thị, cửa hàng mua sắm và gây nên hiện tượng thiếu hụt cục bộ trong 1 số thời điểm.
Ngoài các hệ thông cung ứng hiện đại, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất với TP. Thủ Đức và các quận huyện hỗ trơ mở các kênh bán hàng trực tuyến, hỗ trợ các kênh đi chợ thay cho người lớn tuổi bằng hoạt động tình nghĩa của hội phụ nữ, đoàn thanh niên… “nguồn cung ứng hàng hóa trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tương đối dồi dào, nên không lo lắng về sự thiếu hụt trong tất cả tình huống phòng chống dịch” - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định.
Liên quan về vấn đề lưu thông hàng hóa, ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện một số tỉnh giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh lập các chốt kiểm soát yêu cầu tài xế trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 trong vòng 3 hoặc 5 ngày mỗi khi đi qua, nên rất khó khăn trong công tác lưu thông hành hóa. Tuy nhiên, thực tế tại tỉnh Bình Dương một số DN có kho hàng tại địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị số 16 cho nên họ áp dụng việc bắt buộc có giấy xét nghiệm.
“Đối với TP cho tới thời điểm này chưa lập các chốt kiểm tra khi lưu thông hàng hóa ra, vào TP. Sở Giao thông Vận tải đang bàn bạc và thống nhất với các đơn vị liên quan về thời gian có hiệu lực của giấy xét nghiệm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa…” - ông Võ Khánh Hưng nhấn mạnh.
TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn thành phố từ 0 giờ ngày 9/7 Tối ngày 7/7, phát biểu kết luận tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP, ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, do tính chất phức tạp của đại dịch, cùng với mật độ dân cư rất cao tại TP và mức độ giao thương với các địa phương rất lớn nên công tác kiểm soát dịch đặt ra nhiều thách thức. Do đó, để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh và nâng cao một mức nữa trong công tác phòng, chống dịch, TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn TP từ 0 giờ ngày 9/7/2021, thời gian áp dụng 15 ngày. “Với năng lực dự trữ và cung ứng của các hệ thống phân phối, các DN bình ổn thị trường, thành phố đủ lượng hàng cung ứng và các điểm bán phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Do đó, “người dân không cần mua tích trữ hàng hóa và không tập trung đông người tại siêu thị, chợ truyền thống ,hãy cùng đồng hành trách nhiệm với TP để nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn” - Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn đề nghị. |
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ).