Hạn chế thời gian sinh viên làm thêm không quá 20 giờ/tuần, cần linh hoạt, khả thi
Quy định là cần thiết, song không nên cứng nhắc
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm sửa đổi. Cụ thể, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất quản lý việc làm bán thời gian của học sinh, sinh viên không làm thêm quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ.
Đề xuất này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, trong đó, nhiều sinh viên bày tỏ băn khoăn vì đề xuất này có thể làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Bạn Đ.T.Thanh - sinh viên Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) cho biết: “Mình đi làm bán thời gian - partime ngày 5 tiếng, vào tất cả các ngày trong tuần, thu nhập được 100 ngàn đồng/ngày. Với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mình nghĩ không khả thi”.
“Thực tế hiện nhiều sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều bạn còn phải chật vật tự trang trải chi tiêu, đóng học phí. Nếu giới hạn thời gian, đặc biệt trong những ngày nghỉ, nhiều bạn sẽ không tận dụng được hết thời gian đi làm thêm, rất lãng phí" - Đ.T.Thanh bày tỏ.
Đề xuất sinh viên không làm quá 20 giờ/tuần trong kỳ học đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhiều sinh viên không đồng tình. |
Tương tự bạn H.T.Vy (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Mình đi làm thời vụ, mỗi tuần 2-3 buổi, mỗi ngày thu nhập khoảng 200 ngàn đồng trong 8 tiếng làm việc. Sinh viên đi làm thêm cơ bản rất khó khăn, hạn chế giờ làm chẳng khác nào cản trở tương lai của các bạn. Chưa kể nguy cơ bị lạm dụng lao động khi phải làm chui sau thời gian cho phép".
Trái ngược với ý kiến của hai bạn trên, bạn L.T.Ngân (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm: “Mình ủng hộ đề xuất dự thảo này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tranh thủ những lúc rảnh mình cũng đi làm thêm, nhưng mình chỉ làm 4 tiếng/ngày từ thứ 2 đến thứ 6. Thu nhập không nhiều nhưng đủ trang trải một phần phí sinh hoạt cá nhân, còn các chi phí khác thì bố mẹ lo" - Ngân cho biết, đồng thời chia sẻ thêm: "Với mình, việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu của sinh viên, nếu làm thêm nhiều quá sẽ ảnh hưởng tới việc học. Do đó, việc đưa ra giới hạn giờ làm thêm cũng để nhắc nhở các bạn tập trung vào việc học”.
Thực tế cho thấy, đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không chỉ tác động đến học sinh, sinh viên, mà các cửa hàng hay doanh nghiệp đang có nhu cầu thuê nhân sự làm bán thời gian cũng đau đầu.
Anh N.V. Đức (30 tuổi, quản lý 2 cửa hàng cà phê tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Nếu dự thảo theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực thi, nhiều doanh nghiệp như chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong quản lý và vận hành. Bởi hiện nay, 70% lao động tại các nhà hàng, quán ăn, cafe... là nhân viên bán thời gian, chủ yếu là học sinh, sinh viên. Các em làm chủ yếu cân đối theo lịch học. Nếu quy định hạn chế giờ làm thêm cho các em thì nhà hàng sẽ phải tăng thêm số người làm, đồng nghĩa với việc khó khăn trong tuyển dụng và quản lý".
Cùng với ý kiến của anh Đức, chị L.T. Thắm (35 tuổi, chủ 1 chuỗi quán ốc tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Nếu áp dụng giới hạn giờ làm thêm thì cả cửa hàng và các bạn sinh viên đều bị ảnh hưởng. Đa số các bạn đi làm để đỡ một phần kinh tế cho bố mẹ. Nhà nước nên có chính sách áp dụng linh hoạt, không nên quá cứng nhắc, vì bản thân các em sinh viên sẽ tự ý thức và có trách nhiệm với việc học của mình thay vì cấm rồi lại lách, vô tình chính các em sẽ nghĩ mình đang làm trái quy định pháp luật".
Hợp xu thế xong cần gắn hiệu quả thực thi
Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Lộc (Viện Nghiên cứu đời sống xã hội) nhận định, một số nước đã giới hạn giờ làm thêm để các bạn sinh viên tập trung vào việc học tập.
"Việc áp dụng giới hạn giờ làm thêm của sinh viên Việt Nam đang tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế. Có bạn sa đà vào việc làm thêm quá nhiều có thể ảnh hưởng đến mục tiêu quan trọng nhất là học tập. Bởi thiếu hụt kiến thức sẽ ảnh hưởng tới kết quả học tập của các em" - PGS.TS Nguyễn Đức Lộc bày tỏ.
Ngoài ra, theo ông Lộc, bên cạnh việc các doanh nghiệp, công ty nên tạo điều kiện tốt nhất để các bạn sinh viên làm thêm kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống, các cơ quan có thẩm quyền cần phải linh hoạt tính toán mức lương phù hợp theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng.
Theo quy định, mức lương tối thiểu hiện nay không được quy định cụ thể cho từng nhóm ngành nghề, thay vào đó pháp luật về lao động xác lập mức lương tối thiểu theo vùng, ấn định theo tháng, giờ: Vùng I là 22.500, Vùng II là 20.000, Vùng III là 17.500 và Vùng IV là 15.600.
Chia sẻ về mức thu nhập hiện nay các cửa hàng đang áp dụng, nhiều bạn sinh viên cho rằng, với mức lương trung bình từ 20-25.000 đồng/giờ với các em là rất thấp. Theo đó các em đề xuất, nếu hạn chế giờ làm thì đồng nghĩa với việc cần nâng mức lương cao hơn. Có như vậy sinh viên mới có động lực hơn và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
Dưới góc nhìn từ phía nhà trường, giảng viên một trường đại học cho rằng: “Sinh viên đều là công dân đã trưởng thành và có trách nhiệm với việc bố trí thời gian học tập hay đi làm của mình. Các trường đại học hiện nay đều theo cơ chế đào tạo tín chỉ cho phép sinh viên linh hoạt trong việc lựa chọn số lượng tín chỉ trong một kỳ học. Nếu học ít thì có thể đi làm nhiều giờ hơn và ngược lại”.
Nhân viên partime chụp ảnh cùng khách tại Nhà hàng Lẩu nướng Hàn Quốc Minwon BBQ. |
Bên cạnh đó, giảng viên này cũng bày tỏ băn khoăn, dự thảo cũng chưa có quy định về chế tài xử lý nếu doanh nghiệp hoặc các cá nhân vi phạm. Điều này khiến các đối tượng liên quan khó có thể đưa ra hết các quan điểm toàn diện nhất.
Các nước phát triển khác trên thế giới đều có quy định riêng về thời gian đi làm thêm cho các du học sinh. Cũng giống với dự thảo Luật Việc làm sửa đổi của Việt Nam, khi du học Tây Ban Nha, sinh viên quốc tế có thể xin giấy phép làm việc tại chính quyền địa phương với tối đa 20 giờ/tuần. Tại Úc, visa cấp cho sinh viên sẽ cho phép bạn làm thêm 48 giờ/2 tuần trong suốt quá trình học và toàn thời gian trong kì nghỉ. Còn tại xứ sở của bia (Đức), du học sinh có thể làm việc bán thời gian 240 ngày mỗi năm.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để tiệm cận với thế giới, việc cần thiết quy định về thời gian làm thêm đối với học sinh, sinh viên là cần thiết, song không nên quá cứng nhắc. Đặc biệt, cần đo lường được hiệu quả thực thi, có chế tài kiểm soát, tránh tình trạng quy định một đằng, làm một nẻo.