Hải Phòng: Nỗ lực triển khai các mục tiêu phát triển và nâng cấp sản phẩm OCOP
Với mong muốn phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, UBND TP. Hải Phòngđã ban hành Quyết định số 674/QĐ-UBND ngày 9/3/2021, phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Chương trình OCOP được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện tại 217 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của thành phố Hải Phòng. Đồng thời, vận động, khuyến khích các hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tham gia Chương trình OCOP liên kết thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác; Liên kết sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, sản xuất gắn với phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.
Kể từ khi đi vào triển khai chương trình trên, nhiều sản phẩm OCOP của các địa phương thành phố Hải Phòng đã tạo được dấu ấn tốt khi đến tay người tiêu dùng. Qua đó, lượng tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ngày càng tăng lên. Cũng từ đó, bài toán đặt ra là bên cung ứng sản phẩm cần phải ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới và ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Công nhân thu gom trứng gà tại trại gà ở ở Hợp tác xã Duy Nhất, tại xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng. (Ảnh: Thu Thủy). |
Đơn cử, với sản phẩm trứng gà ở Hợp tác xã Duy Nhất (thôn Đốc Hậu, xã Toàn Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng), anh Nguyễn Quang Vình - chủ trang trại gà đã tiên phong triển khai ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ số trong sản xuất và giám sát môi trường nuôi dưỡng, quản lý sức khỏe vật nuôi. Theo đó, gia đình anh Vình tham gia lớp đào tạo tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP. Đồng thời, được hướng dẫn kỹ thuật vận hành hệ thống IOT cả về lý thuyết và thực hành.
Hiện sản phẩm trứng gà ở Hợp tác xã Duy Nhất được UBND TP. Hải Phòng chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là sản phẩm về trứng gà đầu tiên và duy nhất tại thành phố Cảng được chứng nhận OCOP tính đến thời điểm này.
Ngoài ra, tại 2 xã Kiến Quốc và Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng, mô hình "sản xuất kết hợp lúa rươi" cũng đem đến hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Điển hình, anh Trần Văn Trung (trú tại huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) đã nghiên cứu, tìm tòi các giống lúa phù hợp. Nhất là đối với điều kiện ruộng rươi với độ mặn trung bình khoảng 3 phần nghìn. Để thúc đẩy quá trình xây dựng thương hiệu gạo, anh Trung đã bàn bạc với các hộ dân ở 2 xã Ngũ Phúc và Kiến Quốc hình thức hợp tác để đưa ra sản phẩm gạo chất lượng. Theo đó, công ty của anh Trần Văn Trung sẽ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu toàn bộ đầu ra.
Từ 20ha lúa ruộng rươi trên địa bàn hai xã kể trên được bao tiêu đầu ra năm 2015, đến nay, diện tích tăng lên hơn 100ha, gồm các giống lúa: ST24, ST25, Tiến Vua, Thảo Dược VH1. Do cấy lúa kết hợp với nuôi rươi, mỗi năm, bà con nơi đây chỉ cấy một vụ lúa mùa. Tuy nhiên, số tiền thu được cao hơn hẳn cấy lúa hai vụ do giá thóc bán ra lên tới 12.000-13.000 đồng/kg, cao gấp 1,5-2 lần so với thóc thu được tại những chân ruộng khác.
Năm 2023, sản phẩm “Gạo ruộng rươi Kiến Quốc” được thành phố Hải Phòng công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện, mô hình sản xuất kết hợp lúa rươi, trong đó cấy giống lúa năng suất cao, chất lượng gạo ngon, đã lan rộng ra nhiều vùng nuôi rươi của các địa phương trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Có thể thấy, số lượng chủ thể và sản phẩm OCOP tại thành phố Hải Phòng tăng theo từng năm. Mỗi sản phẩm OCOP đều được gắn với các dư địa, tính đặc hữu của nông nghiệp các địa phương khác nhau. Để nhanh chóng gia tăng số lượng sản phẩm OCOP ở nhiều nhóm ngành, thành phố Hải Phòng đang tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP. Sử dụng logo OCOP và hạng sao in ngay trên bao bì sản phẩm, quảng bá các sản phẩm OCOP qua các hội chợ tại thành phố và các địa phương bạn.